Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Phá thai nội khoa

Phá thai nội khoa (PTNK) là dùng thuốc khác với phá thai ngoại khoa là dùng phẫu thuật (Nạo hút). Phá thai ngoại khoa thường có các tai biến như: chảy máu, sót nhau, thủng tử cung, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và tương lai sinh sản. Tỷ lệ tử vong bà mẹ ở nước ta thấp hơn các nước trong khu vực, song trong số tử vong mẹ cũng có 5% liên quan đến nạo phá thai (nhiễm khuẩn 20%, chảy máu 40%). Một số nghiên cứu cho thấy, nạo phá thai còn liên quan đến các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục. Tâm lý chung của chị em là muốn có một phương pháp phá thai ít tai biến, ít ảnh hưởng đến sức khỏe, kín đáo, tế nhị. Phá thai bằng nội khoa đáp ứng các yêu cầu này.

Dùng loại thuốc gì, theo phác đồ nào?

Trên thế giới có 4 loại thuốc phá thai: epostan, methotrexat, mifepriston, misoprostol. Nước ta dùng mifepriston, misoprostol.

Mifepriston là một steroid tổng hợp. Hormone progesteron do hoàng thể tiết ra trong chu kỳ kinh nguyệt, có tác dụng làm dày niêm mạc tử cung cho trứng làm tổ, để khi có thai thì thai bám chắc vào đó. Mifepriston đối kháng với progesteron, cản trở quá trình này. Nếu dùng sớm khi chưa thụ thai thì mifepriston sẽ ngăn cản sự thụ thai. Nếu dùng muộn khi đã có thai chưa quá 49 ngày thì mifepriston làm bong thai ra khỏi niêm mạc tử cung. Lúc này nó được coi là thuốc phá thai. Cơ chế ở đây là sự tranh chấp giữa mifepriston và progesteron. Khi dùng muộn (thai đã quá 49 ngày), mifepriston sẽ không làm bong thai ra được, nghĩa là thuốc không thực hiện được tính năng phá thai.

Misoprostol tác dụng như một prostaglandin, làm tăng cường co bóp tử cung. Sau khi mifepriston làm bong thai ra khỏi niêm mạc tử cung thì sự co bóp do misoprostol gây ra sẽ tống thai ra ngoài. Như vậy, khi dùng với vai trò tránh thai thì chỉ dùng đơn độc mifepriston nhưng khi dùng với vai trò phá thai thì nhất thiết phải dùng mifeproston kết hợp với misoprostol. Nếu không dùng kết hợp như thế, thai sẽ không bị tống ra ngoài. Với những người không chịu được các tác dụng của prostaglandin thì cũng không thể dùng misoprostol, mà phải dùng cách khác (không đi chi tiết vào trường hợp cá biệt này).

 PTNK chỉ được thực hiện tại những cơ sở được Bộ Y tế cho phép.
Từ năm 2002, nước ta đã có những nghiên cứu về phương pháp này và đó là cơ sở để đưa ra phác đồ PTNK nằm trong khuôn khổ của “Chuẩn mực quốc gia chăm sóc sức khỏe sinh sản” ban hành vào tháng 2/2003. Theo đó, có 3 bước:

Bước 1 (làm bong thai): uống mifeproriston 200mg ngay tại phòng khám. Thuốc sẽ làm tróc túi thai ra khỏi niêm mạc tử cung. Sau đó, thai phụ về nhà, tự theo dõi theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Bước 2 (tống thai ra ngoài): sau 48 giờ, thai phụ trở lại bệnh viện uống tiếp misoprostol 400mg. Thuốc này sẽ tăng cường co bóp tử cung tống thai ra ngoài. Thai phụ sau khi uống thuốc này, phải lưu lại tại bệnh viện trong 3 giờ để theo dõi mạch, huyết áp mỗi 30 phút một lần. Nơi theo dõi phải có đủ các phương tiện cấp cứu về tim mạch, đồng thời phải có phương tiện vận chuyển để có thể đưa người bệnh lên tuyến trên nếu cần thiết.

Bước 3 (kiểm tra hiệu quả): sau 14 ngày kể từ lần dùng thuốc thứ hai, thai phụ phải đến khám lại để xác định kết quả. Nếu siêu âm vẫn thấy thai phát triển, tim thai vẫn đập thì có nghĩa là không đạt được hiệu quả PTNK, phải dùng cách phá thai khác mà không để lưu lại thai.

Điều cần lưu ý để có hiệu quả, tránh tai biến

- Chỉ dùng phương pháp PTNK cho: thai phụ khi tuổi thai dưới 49 ngày (mới có kết quả). Thai phụ vì trường hợp đặc biệt không thể dùng phương pháp phá thai ngoại khoa.

- Không dùng phương pháp PTNK cho: thai phụ khi thai đã quá 49 ngày tuổi (không có kết quả). Thai phụ có thai ngoài tử cung, đang mang vòng, bị thiếu máu nặng, bị bệnh gan và thận, đang dùng corticoid kéo dài.

- Chỉ được thực hiện phương pháp PTNK tại bệnh viện tỉnh và bệnh viện trung ương, nghiêm cấm thực hiện phương pháp phá thai này tại các phòng khám tư.

- Khi đã chấp thuận dùng phương pháp PTNK thì phải quyết tâm theo đuổi liệu trình đến cùng chứ không được bỏ dở.

- Thai phụ cần nói rõ với thầy thuốc tuổi thai, tiền sử bệnh tật. Đây là những thông tin quan trọng giúp thầy thuốc thêm sự chính xác trong chẩn đoán và quyết định áp dung phương pháp PTNK.

- Thuốc có thể gây một số hiện tượng như: ra máu, rỉ máu kéo dài, buồn nôn, nôn. Thực chất đây là những hiện tượng bình thường vẫn có trong sảy thai tự nhiên nhưng thai phụ cần được báo trước để khỏi hoang mang.

-Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ do bản chất của thuốc. Mifepriston gây bất lợi cho người suy gan suy thận, misoprostol gây bất lợi cho người chậm đông máu. Những tác dụng phụ do bản chất của thuốc gây ra đã được nêu trong chống chỉ định của thuốc (xem phần trên).

Nước ta có tỷ lệ phá thai cao, ước tính có 1/3 số người có thai muốn kết thúc thai kỳ bằng biện pháp phá thai. Mặc dù có thể xảy ra tai biến và chỉ thực hiên được trong những cơ sở kỹ thuật nhất định nhưng phương pháp PTNK có những ưu điểm lớn, đem lại lợi ích cho số đông người có thai ngoài ý muốn. Tất nhiên, phá thai dù theo phương pháp nào cũng chỉ là cách giải quyết hậu quả, không phải là biện pháp khuyến khích mà tốt hơn hết là cần có biện pháp thai theo kế hoạch.

Tai biến do PTNK tuy ít gặp nhưng nếu xảy ra thì rất nặng (các tai biến về tim mạch dẫn đến tử vong), cũng có những tai biến xảy ra khó nhận biết (như khi không hiệu quả mà bỏ dở thì thai sẽ phát triển bị dị dang, dị tật). Thai phụ cần chọn đúng địa chỉ được Bộ y tế cho phép thực hiện kỹ thuật PTNK, không đến những địa chỉ không cho phép hay nghiêm cấm thực hiện kỹ thuật này, khi đã chấp nhận phương pháp này thì phải theo đuổi đủ liệu trình đến cùng.

DS.CKII. BÙI VĂN UY

0 nhận xét:

Đăng nhận xét