This is default featured slide 1 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 2 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 3 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 4 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 5 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Nhiễm khuẩn tiết niệu khi mang thai

Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn tiết niệu

Khi mang thai, do khối lượng tử cung lớn dần chèn ép vào niệu quản làm giãn đài bể thận, hoặc do sự trào ngược nước tiểu từ bàng quang lên niệu quản... gây ra sự ứ đọng nước tiểu - yếu tố thuận lợi cho vi khuẩn (chủ yếu là vi khuẩn E.coli) phát triển. Các vi khuẩn này từ vùng hậu môn, âm đạo xâm nhập vào bàng quang qua niệu đạo, nhiễm khuẩn khu trú ở đấy gọi là nhiễm khuẩn niệu đạo. Vi khuẩn tiếp tục di chuyển đến bàng quang gây viêm bàng quang, và cuối cùng lan đến thận qua đường niệu quản gây viêm thận - bể thận cấp.

Những thể nhiễm khuẩn tiết niệu:

Nhiễm khuẩn thường: Thường không có triệu chứng lâm sàng. Kết quả xét nghiệm nước tiểu ở hai lần riêng biệt cho thấy có ít nhất 100.000 vi khuẩn/1ml nước tiểu. Bệnh có thể gây biến chứng viêm thận - bể thận cấp với tỷ lệ khá cao nếu không được điều trị kịp thời.

Nhiễm khuẩn tiết niệu thấp (viêm bàng quang cấp): Thai phụ đái buốt, đái rắt, nước tiểu sẫm màu, có khi đái ra máu ở cuối bãi, cảm giác nóng bỏng và rát khi đái, không sốt, nguời mệt mỏi. Khi làm xét nghiệm nước tiểu phát hiện protein âm tính. Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến viêm thận - bể thận cấp.

 Ảnh minh họa.
Nhiễm khuẩn tiết niệu cao (viêm thận - bể thận cấp):  Người bệnh sốt cao 39 - 40oC, mạch đập nhanh, rét run, thể trạng suy sụp nhanh, mệt mỏi li bì, đau vùng thắt lưng (đặc biệt là bên phải), buồn nôn và nôn, nhức đầu, đái buốt, đái rắt, phù toàn thân nhanh, có khi choáng do urê huyết tăng, rối loạn chức năng thận dẫn đến suy thận cấp. Ngoài ra, có thể bị suy tuần hoàn, suy hô hấp cấp... Đây là thể bệnh nặng nhất, nếu không điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm cho mẹ và thai nhi.

Viêm cầu thận cấp: Thai phụ bị phù toàn thân, phù trắng ấn lõm, cân nặng tăng nhanh (2kg/tuần), tăng huyết áp, tiểu ít, nhức đầu có khi mờ mắt, xét nghiệm nước tiểu có albumin niệu. Những triệu chứng này có thể rất dễ nhầm với tiền sản giật.

Suy thận cấp: Người phù, tiểu ít, xét nghiệm có urê máu, creatinin trong huyết thanh tăng cao. Bệnh có thể gây sảy thai, trẻ đẻ nhẹ cân, non tháng hay thai chết lưu. Nguyên nhân có thể do thận thiếu máu nuôi dưỡng, thường xảy ra trong trường hợp mẹ bị băng huyết, mất nước, rau bong non, nhiễm khuẩn huyết.

Phòng bệnh: Khi mang thai cần kiểm tra nước tiểu định kỳ 3 tháng một lần. Vệ sinh sinh dục hằng ngày, không nên nhịn tiểu. Uống nhiều nước để giúp nước tiểu không cô đặc phòng sỏi hệ tiết niệu. Khi thấy hiện tượng bất thường tiểu ít, đái buốt, đái rắt, người mệt mỏi, hoa mắt, đau đầu cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán chính xác.

BS. Thu Lan

Tăng cân trong thai kỳ

Tôi năm nay 26 tuổi, đang mang thai lần đầu, tôi xin hỏi mức tăng cân chuẩn là bao nhiêu để đảm bảo sức khỏe cho thai nhi?

Mức tăng cân của bà mẹ mang thai liên quan chặt chẽ tới cân nặng của trẻ khi sinh. Chỉ số này thấp dẫn đến nguy cơ sinh con cân nặng dưới 2.500g (sinh non hoặc suy dinh dưỡng bào thai).

Mức tăng cân phụ thuộc vào chế độ ăn uống, lao động, nghỉ ngơi của bà mẹ và tình trạng dinh dưỡng của mẹ trước khi có thai. Trong suốt thai kỳ, người mẹ cần tăng từ 10 - 12kg. Trong đó, 3 tháng đầu tăng 1kg, 3 tháng giữa tăng 4 - 5kg và 3 tháng cuối tăng 5 - 6kg.

Nếu 3 tháng giữa tăng dưới 3 kg và 3 tháng cuối tăng dưới 4 kg thì người mẹ cần ăn uống và bồi dưỡng tăng cường thêm.

Tăng cân quá mức cũng không tốt. Nếu trong 3 tháng cuối, mỗi tháng tăng quá 2kg hay mỗi tuần tăng trên 1 kg thì đó thường là dấu hiệu bệnh lý như phù, cao huyết áp. Bà mẹ cần phải đi khám để có những can thiệp kịp thời.

Nhu cầu năng lượng trong khẩu phần của phụ nữ có thai là 2.550 kcal, nhiều hơn khi không có thai 350 kcal. Tùy theo hoàn cảnh của mỗi gia đình, bà mẹ có thể ăn thêm cơm (chỉ cần ăn thêm 2 bát mỗi ngày là đủ đưa vào cơ thể thêm 300 kcal) hoặc thêm củ khoai, bắp ngô, quả trứng, đậu, vừng, lạc, hoa quả… Nếu có điều kiện, ăn thêm thịt, cá, sữa…

BS. LAN HƯƠNG

Viêm họng khi mang thai có nguy hiểm?

Phụ nữ có thai nhất là trong 3 tháng đầu rất hay bị viêm họng, nguyên nhân gây ra hiện tượng này là do thay đổi nội tiết trong lúc mang thai làm cho sức đề kháng của niêm mạc mũi họng giảm, mặt khác niêm mạc họng của phụ nữ có thai rất dễ bị viêm với bản thân vi khuẩn hoặc virut sẵn có tại chỗ hoặc rất dễ bị lây từ người khác. Đặc biệt thời tiết nắng nóng khắc nghiệt làm gia tăng và nặng bệnh hơn.

Căn nguyên gây viêm họng ở phụ nữ mang thai có đặc điểm gì?

Cũng giống với nguyên nhân gây viêm họng nói chung: viêm họng do virut (chiếm 60-80% các nguyên nhân gây bệnh); viêm họng do vi khuẩn: thường gặp là phế cầu, Hemophilus Influenzae, tụ cầu, liên cầu...; viêm họng do nấm vì có tới 70% các trường hợp nấm tồn tại thường xuyên trong niêm mạc mũi họng do bụi hít phải từ môi trường bên ngoài; viêm họng do viêm dị ứng. Ngoài ra, viêm họng do trào ngược dịch dạ dày thực quản lên vùng mũi họng, rất hay gặp ở phụ nữ có thai do lúc này áp lực ổ bụng thay đổi làm cho hiện tượng trào ngược ngày một nặng, đó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho 70% số phụ nữ có thai bị viêm họng.

Một số yếu tố thuận lợi dễ làm cho phụ nữ có thai dễ bị viêm họng hơn nếu họ làm việc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố vật lý hoá học độc hại, bụi bẩn (xưởng dệt may...).

Trường hợp phụ nữ có thai bị viêm mũi họng, đặc biệt lưu ý với một số loại virut có khả năng ảnh hưởng tới thai nhi như virut cúm, Rubella - virut... những virut này có thể gây sảy thai, thai chết lưu, sinh non, điếc câm bẩm sinh. Trẻ sinh ra dễ bị viêm phổi. Tuy nhiên, tỷ lệ viêm họng thực sự do các virut này là rất hiếm chỉ có 0,0001% số bà mẹ mang thai.

       Rất nhiều phụ nữ có thai sử dụng thuốc ngậm tại chỗ cho rằng thuốc chỉ tác dụng lên vùng họng để giảm viêm mà không có tác dụng phụ mà không biết bất cứ loại thuốc nào cũng không có lợi cho phụ nữ có thai và cho con bú bởi dù là thuốc dùng tại chỗ song một tỷ lệ nhỏ thuốc vẫn được hấp thụ vào máu và thai nhi qua nhau thai và sữa mẹ.

Phụ nữ có thai thường mắc viêm mũi họng cấp thông thường

Biểu hiện bệnh rất rầm rộ. Người bệnh có cảm giác ớn lạnh, gai rét kèm theo đau mỏi người (virut). Hội chứng nhiễm khuẩn: sốt, môi khô, lưỡi bẩn (vi khuẩn). Kèm theo là cảm giác khô họng, rát họng, đau họng, nuốt đau nhói lên tai. Ho khan trong giai đoạn đầu sau đó ho có đờm. Có thể kèm theo khàn tiếng (nếu quá trình viêm lan xuống họng thanh quản).

Khám họng niêm mạc họng đỏ, tăng xuất tiết. Nếu do vi khuẩn trên niêm mạc họng và amidan sẽ có giả mạc màu trắng hoặc vàng xám bao phủ.

Xét nghiệm dịch tiết tại họng: quệt dịch họng soi tươi, nuôi cấy vi khuẩn, tìm nguyên nhân gây bệnh.

Điều trị viêm họng ở phụ nữ mang thai cần chú ý:

Điều trị tốt nhất là lấy dịch họng đem nuôi cấy xác định loại vi khuẩn gây bệnh và làm kháng sinh đồ. Nếu viêm họng do vi khuẩn phải điều trị bằng kháng sinh. Nhóm thuốc an toàn nhất cho phụ nữ có thai là b lactam. Việc điều trị này phải tuyệt đối tuân thủ theo bác sĩ. Đối với các trường hợp viêm họng do virut thì không cần dùng kháng sinh mà chỉ cần điều trị triệu chứng: sốt, ho, đau họng... 

Thuốc hạ sốt giảm đau thông dụng là nhóm thuốc chống viêm không steroid. Tuy nhiên với phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu có thể gây quái thai và trong 3 tháng cuối lại dễ gây các rối loạn ở phổi, liên quan đến việc đóng ống động mạch của bào thai trong tử cung, có thể kéo dài thời gian mang thai và làm chậm quá trình chuyển dạ. Có thể sử dụng được thuốc hạ sốt, giảm đau dẫn xuất anilin như paracetamol. Thuốc ho chỉ sử dụng khi triệu chứng ho làm ảnh hưởng tới thai như sảy thai...

Với phụ nữ có thai, bên cạnh việc điều trị kháng sinh thường kết hợp với sát khuẩn vùng họng bằng nước muối sinh lý ngậm, súc họng với dung dịch kiềm loãng. Khí dung mũi họng theo chỉ định bằng tinh dầu bạc hà, thuốc kháng sinh, chống viêm dạng hoà tan. Đắp khăn nóng vào hai bên cổ. Điều trị bằng những vị thuốc nam như cây xạ can (rẻ quạt). Xạ can được dùng theo cách ngậm lá tươi hoặc ngậm viên nén làm từ củ xạ can.

ThS. Phạm Bích Đào

Mang thai có tập thể dục được không?

Bên cạnh những biện pháp về giữ vệ sinh thân thể, vệ sinh hoạt, chế độ ăn uống, lao động và nghỉ ngơi hợp lý, thì việc tập luyện thể dục góp phần rất lớn để cho “mẹ tròn con vuông”.

Luyện tập thể dục - biện pháp tích cực

Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh: những người luyện tập thể dục thể thao thường xuyên khi có thai ít mắc chứng giãn tĩnh mạch chân, đau đầu, cao huyết áp, phù… Thời gian sinh mau hơn và ít xảy ra tai biến khi sinh.

 Thể dục trong thai kỳ gíúp cho sản phụ có thêm sức khỏe.
Sức khỏe của thai nhi phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng sức khỏe của người mẹ. Trong khi có mang, không những nhu cầu về các chất dinh dưỡng, về sinh tố tăng hơn lúc bình thường mà cả nhu cầu về oxy cũng lớn hơn. Thai nhi rất nhạy cảm với tình trạng thiếu oxy. Vì một lý do nào đó, người mẹ thở yếu hay khó thở, máu cung cấp tới thai nhi giảm sút, lập tức ta thấy thai “máy đạp” nhiều hơn. Đây chính là dấu hiệu “kêu đói oxy” của thai nhi. Nếu tình trạng này kéo dài, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của thai và đến sức khỏe của đứa trẻ khi ra đời.

Luyện tập thể dục trong thời kỳ có thai là một biện pháp tích cực để nâng cao sức khỏe của người mẹ chuẩn bị thể lực cho việc sinh đẻ dễ dàng và an toàn, đồng thời thông qua mẹ, bồi dưỡng sức khỏe cho thai nhi.

Tập sao cho tốt?

Trong 3 tháng đầu, thai còn chưa bám chắc vào thành tử cung, việc tập luyện phải hết sức nhẹ nhàng. Nên tập những động tác thể dục phát triển, củng cố các cơ tham gia vào quá trình sinh đẻ như: các cơ đáy chậu, cơ thành bụng, cơ lưng và tăng tính di động các khớp khung xương chậu. Trong thời gian có thai, phải nghỉ hẳn các hình thức tập luyện có tính chất thể thao, nhất là không được thi đấu.

Từ tháng thứ 7 trở đi, việc tập luyện phải hết sức thận trọng, vì lúc này thai đã lớn. Tập luyện quá sức hay gây chấn động cơ thể mạnh dễ làm động thai dẫn đến sinh non.

Từ tháng thứ 4 - 7 có thể tập bơi, bơi với tốc độ chậm, động tác khoan thai. Tốt nhất là bơi ếch. Bơi là một hình thức vận động toàn diện, trong đó các cơ tham gia trực tiếp vào quá trình sinh đẻ được củng cố, khi bơi, hoạt động chân tay thường kết hợp một cách tự nhiên với thở, cơ thể được tiếp xúc với không khí với nước, toàn thân như được xoa bóp nhẹ nhàng, khí huyết lưu thông tác dụng rất tốt đến sức khỏe. Không nên bơi lâu, mỗi lần tập không quá 20 phút. Không bơi ở hồ, ao nước tù, bẩn, trong các loại nước đó có nhiều vi khuẩn và nấm gây bệnh. Tuyệt đối không được nhảy xuống nước. Ngoài luyện tập thể dục, hàng ngày nên đi dạo ở những nơi thoáng mát và không khí trong lành. Không nên đi xa, nên đi từng đoạn đường ngắn, ngồi nghỉ, sau đó lại tiếp tục đi.

Việc tập luyện phải tùy theo sức khỏe và tình trạng thai nghén của mỗi người. Bất cứ một sự thay đổi nào dù nhỏ nhất về sức khỏe, cũng phải hỏi ý kiến thầy thuốc sản, phụ khoa và thầy thuốc y học thể dục thể thao. Phải chấp hành nghiêm ngặt lịch khám thai.

BS. ANH ĐỨC

Một số trường hợp không nên tập luyện thể dục trong thời gian thai nghén:

- Khi có nhiễm độc do thai nghén.

- Bệnh tim mạch ở giai đoạn mất bù.

- Bệnh lao phổi ở thời kỳ tiến triển.

- Nhiễm trùng cấp tính.

- Bệnh thần kinh.

- Chảy máu khi có thai.

- Đa ối.

- Viêm sinh dục.

- Có những cơn đau bụng sau mỗi lần tập thể dục.

Những trường hợp bệnh lý khác nên hỏi ý kiến thầy thuốc.

Khi mãn kinh sẽ bị loãng xương?

Tôi năm nay 52 tuổi, đã bị mãn kinh hơn một năm nay. Gần đây thời tiết thay đổi là tôi cảm thấy các khớp xương rất đau nhức. Trước đây tôi không hề có bệnh xương khớp gì. Nghe nói đó là do tôi bị loãng xương. Xin hỏi tôi phải làm gì để cải thiện tình trạng này?

 Loãng xương là vấn đề hay gặp ở phụ nữ mãn kinh.
Cao Thị Mai Hoa(Hà Tĩnh)

Rất nhiều phụ nữ tuổi mãn kinh bị các chứng đau xương khớp. Người ta ước tính có tới 30% phụ nữ sau mãn kinh bị giảm mật độ xương. Toàn bộ cuộc đời một phụ nữ sẽ mất khoảng 35% xương đặc và khoảng 50% xương xốp trong khi nam giới chỉ mất khoảng 2/3 khối lượng nói trên. Hậu quả này làm cho nhiều phụ nữ dễ bị gãy xương, trong đó nguy hiểm nhất là gãy cổ xương đùi, gãy xương sống. Kết quả đo mật độ xương tương quan chặt chẽ với nguy cơ gãy xương. Những người có mật độ xương thấp nguy cơ gãy xương đốt sống tăng lên gấp 2 hoặc 3 lần. Để bảo vệ sức khoẻ: Tất cả phụ nữ sau mãn kinh, có nguy cơ loãng xương (tiền sử bị gãy xương, cân nặng thấp, hút thuốc lá, tiền sử gia đình có người bị gãy xương); Phụ nữ trên 65 tuổi, không cần chú ý đến các yếu tố nguy cơ; Các bệnh nhân điều trị thuốc có chứa corticoid, nhất là người sử dụng lâu dài thuốc có chứa thành phần này; phụ nữ sau mãn kinh bị gãy xương; những người sử dụng hormon thay thế trong thời gian dài; phụ nữ mãn kinh trước tuổi 40 hay mãn kinh vì điều trị bệnh nào đó; phụ nữ mãn kinh có những bệnh lý như cường giáp, suy sinh dục kéo dài, cường vỏ thượng thận... Người đang phải điều trị glucocorticoid kéo dài; những người có bất thường cột sống cần khám và đo mật độ xương... Trường hợp của bác trước đây không có bệnh lý xương khớp nào nhưng theo thời gian khó tránh khỏi tình trạng lão hóa, thoái hóa khớp. Vì thế bác nên đi khám chuyên khoa xương khớp, đo mật độ xương để có chỉ định điều trị đúng.

            BS. Trần Quốc Minh

Tiền sản giật triệu chứng nguy hiểm cần lưu ý

Tiền sản giật (TSG) ảnh hưởng tới 5-10% bà bầu, có thể gây tổn hại cho cả mẹ và con. Do đó, việc thử máu và nước tiểu cần được tiến hành ở các bà bầu trước khi sinh. Phát hiện sớm và điều trị để giúp kiểm soát huyết áp cho đến khi mẹ tròn con vuông, có thể giúp ngăn ngừa nhiều biến chứng nguy hiểm.

Thế nào là TSG?

Những phụ nữ bị chứng huyết áp cao và chất đạm trong nước tiểu thường mắc chứng TSG. Bệnh thường xuất hiện khi các bà bầu bắt đầu bước sang tuần thứ 20 của thai kỳ, nhưng có thể cũng xảy ra bất cứ thời điểm nào trong nửa sau của thai kỳ. Nếu không chữa trị, nó có thể dẫn đến một tình trạng nguy hiểm hơn gọi là sản giật. Sản giật gây động kinh và có thể dẫn đến hôn mê hoặc tử vong ở mẹ. TSG có thể nhẹ hay nặng và ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Nó gây thêm áp lực cho thận, tạo nhiều protein trong nước tiểu. Trong trường hợp nghiêm trọng, TSG có thể gây tổn hại cho thận, tim, não, gan và mắt cho người mẹ. Đối với một số phụ nữ có triệu chứng TSG có thể cần phải nằm viện hoặc nằm bất động trên giường suốt thời gian còn lại cho đến khi em bé được sinh ra. Nó cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các bé được sinh ra.

Các triệu chứng TSG

Những triệu chứng dưới đây có thể là dấu hiệu của TSG:

- Sưng ở bàn tay và bàn chân.

- Đau nặng đầu.

- Có vấn đề với tầm nhìn (mờ mắt).

- Giảm trí nhớ.

- Đau ở phần trên của bụng.

- Tăng cân nhanh.

Làm thế nào để chẩn đoán?

Tại mỗi cuộc hẹn trước khi sinh, bác sĩ sẽ đo huyết áp của bạn và thực hiện một thử nghiệm nước tiểu. Nếu huyết áp cao, bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ phần còn lại của thai kỳ. Bởi vì huyết áp cao không là điều kiện đủ để chẩn đoán TSG. Nó thường được chẩn đoán khi tình trạng huyết áp cao được đi kèm với một lượng lớn chất đạm trong nước tiểu. Bạn có thể được chẩn đoán là bị TSG nếu bị sưng, thêm protein trong nước tiểu và một trong những dấu hiệu huyết áp sau đây:

- Huyết áp 140/90mmHg hoặc cao hơn.

- Huyết áp tâm thu của bạn tăng thêm 30mmHg hoặc hơn.

- Huyết áp tâm trương của bạn tăng 15mmHg hoặc hơn.

TSG nghiêm trọng xảy ra khi:

- Huyết áp tâm thu hơn 160mmHg.

- Huyết áp tâm trương hơn 110mmHg.

Những đối tượng có nguy cơ bị TSG?

Các chuyên gia không biết lý do tại sao một số phụ nữ mang thai lại bị triệu chứng TSG. Nhưng những đối tượng phụ nữ với những yếu tố sau có nguy cơ bị TSG lớn hơn:

- Phụ nữ trẻ hơn 20 tuổi.

- Phụ nữ lớn hơn 35 tuổi.

- Mang thai lần đầu tiên.

- Mang thai sinh đôi.

- Có cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận, máu, rối loạn đông máu, lupus...

- TSG ở lần mang thai trước đó.

- Lịch sử gia đình có người bị chứng TSG.

- Thừa cân.

Làm thế nào điều trị được TSG?

Nếu TSG nhẹ thì bạn có thể nằm điều trị tại nhà trên giường. Bác sĩ có thể kê toa thuốc để giảm huyết áp của bạn và sẽ giám sát chặt chẽ sức khỏe của bạn và em bé trong suốt những tháng ngày còn lại của thai kỳ. Nếu bạn có TSG nghiêm trọng, bạn cần nhập viện và sinh con sớm hơn dự định.

Nhiều phụ nữ bị TSG vẫn sinh con khỏe mạnh.

Khi em bé được sinh ra từ những bà mẹ bị TSG thường phải được cách ly sớm. Những em bé này có nhiều nguy cơ đối với các vấn đề sức khỏe khác nhau, bao gồm cả trọng lượng sinh thấp và khuyết tật dài hạn.

BS. THU PHƯƠNG

Dân không mặn mà với vòng tránh thai và biện pháp triệt sản?

Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo "Đại biểu Quốc hội với chính sách về dân số" để cung cấp và giới thiệu một số thông tin cơ bản về Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009, thực trạng dân số Việt Nam và kết quả dự án thí điểm thực hiện kiểm tra sức khỏe bà mẹ trẻ em trước và sau khi sinh.

Chia sẻ thông tin...

Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) tại Việt Nam Bruce Campbell đánh giá Hội thảo là cơ hội để chia sẻ các thông tin cập nhật nhất về các vấn đề dân số, đặc biệt về kết quả sơ bộ của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở, già hóa dân số, kế hoạch hóa gia đình, chương trình sàng lọc trước và sau sinh; thảo luận, tìm kiếm các giải pháp chính sách cho những thách thức về những vấn đề nêu trên mà Việt Nam đang phải đối mặt. Ông Bruce Campbell mong muốn các đại biểu Quốc hội hãy quan tâm và cùng nỗ lực để vượt qua những thách thức như tăng dân số, sự gia tăng bất thường của tỷ số giới tính khi sinh... Ông khẳng định UNFPA sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam cùng giải quyết các thách thức này và cung cấp các căn cứ khoa học cho quá trình phát triển chính sách.

Phổ biến kiến thức về phòng tránh thai cho chị em là việc cần làm thường xuyên.

Và những khó khăn

Nói về những khó khăn của công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, TS. Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ đánh giá tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ chưa được củng cố và hoàn thiện theo đúng yêu cầu, chưa đủ lực để tổ chức triển khai mạnh các hoạt động của chương trình; phong trào thực hiện công tác DS-KHHGĐ ở nhiều địa phương, kể cả đối với đội ngũ cán bộ công chức làm công tác dân số đến người dân có xu hướng giảm sút so với các năm trước. Công tác đào tạo đủ chuẩn cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác dân số cấp xã mới đang trong giai đoạn xây dựng chương trình và mã số đào tạo; việc tập huấn đã từng bước triển khai ở các cấp cho những cán bộ mới làm công tác dân số nhưng chưa đáp ứng nhu cầu hiện nay. Trang thiết bị, dụng cụ y tế dành cho việc cung cấp các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình ở một số địa phương còn thiếu, không đồng bộ, kém chất lượng. Hiện nay cả nước vẫn còn 26% số xã chưa thực hiện được kỹ thuật đặt vòng tránh thai, 47% số xã chưa thực hiện được kỹ thuật hút thai sớm. Hai biện pháp tránh thai hiện đại có tác dụng lâu dài và hiệu quả cao là triệt sản và vòng tránh thai có xu hương giảm so với các năm trước đây; đặc biệt là biện pháp triệt sản đã giảm mạnh...

TS. Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã cung cấp thêm cho các đại biểu Quốc hội giới thiệu sơ bộ về Chương trình chẩn đoán trước sinh và sàng lọc sơ sinh. Chẩn đoán trước sinh và sàng lọc sơ sinh là 2 biện pháp dự phòng hiện đại với trình độ khoa học kỹ thuật cao nhằm phát hiện những bất thường của trẻ trong giai đoạn thai còn trong bụng mẹ và ngay sau khi trẻ ra đời. Qua việc thực hiện Chương trình này ở Việt Nam, TS. Lê Anh Tuấn kiến nghị cần xây dựng hệ thống sàng lọc sơ sinh từ Trung ương đến quận/ huyện, có cán bộ quản lý chương trình làm công tác tư vấn mở rộng đối tượng thu thập mẫu ở cộng đồng để tăng tỷ lệ sàng lọc; Xây dựng hệ thống Labo hoàn chỉnh cho các trung tâm sàng lọc để đủ năng lực sàng lọc sơ sinh cho các loại bệnh cơ bản hay gặp ở Việt Nam...

 

Bài và ảnh: Quỳnh Hoa

Bệnh ngứa vùng kín

Tôi năm nay 26 tuổi, lặp gia đình hơn 1 tháng, tôi bị bệnh viêm nơi vùng kín, ngứa và thỉnh thoảng rát âm ỉ. Hiện tôi đang trong quá trình đặt thuốc, chữa trị. Tôi đang rất lo lắng, vì không biết sau khi chữa trị dứt bệnh thì thời gian bao lâu chúng tôi mới có thể chăn gối trở lại?

(B. T. - Tp.HCM)

Qua thư em hỏi, với triệu chứng ngứa và thỉnh thoảng rát âm ỉ ở vùng kín là triệu chứng của nhiều bệnh như trùng roi có tên y khoa là trichomonas, nấm candida âm đạo, chàm âm hộ…

Ngày nay, nhờ những tiến bộ vượt bực của y học nên việc điều trị một số bệnh kể trên trở nên đơn giản hơn nhiều, như bệnh trùng roi chỉ cần uống 1 liều tinidazole tên biệt dược là fasigyn hay secnidazol (flagentyl) tất cả 2 loại trên đều dùng 2g uống 1 lần duy nhất; nếu do nấm candida âm đạo thì dùng fluconazole với tên biệt dược là funcan, flucomedil, fluconazol stada, diflucan…uống với một liều duy nhất 150mg…

Với tính chất như vậy, nên việc quan hệ vợ chồng cũng không phải lo lắng nhiều, sau điều trị 1 tuần là có thể quan hệ bình thường, nhưng tốt nhất là có giải pháp phòng bệnh như sử dụng bao cao su đúng cách. Tuy nhiên, để phân biệt và điều trị đúng chỉ định, bạn cần được bác sĩ sản khoa hay da liễu khám và có chỉ định để dùng thuốc hợp lý. Chúc em thành công và luôn tự tin trong cuộc sống.

BS.CKI.TRẦN QUỐC LONG

Bà bầu không nên ăn dưa hấu ướp lạnh

Các chuyên gia cho rằng, bà bầu có thể ăn dưa hấu, đặc biệt trong những ngày hè oi bức, nhưng không nên ăn dưa hấu ướp lạnh, cũng không nên ăn quá nhiều.

Quan niệm dân gian cho rằng bà bầu không nên ăn dưa hấu nếu không muốn bị... sảy thai. Đứng trên góc độ khoa học hiện đại, dưa hấu là một loại quả chứa nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là trong mùa hè. Vậy, nên nhìn nhận thế nào cho đúng?

94% dưa hấu là nước, do đó, loại quả này đặc biệt được yêu thích trong ngày hè với chất dinh dưỡng và tính giải nhiệt của nó. Vitamin A, B, C,Dl; protein, chất xơ, đường, kali, axitamin ... đều có trong dưa hấu, có tác dụng tốt trong việc chữa các bệnh nhiệt miệng mùa hè, lợi tiểu, giảm stress... Với nhiều lợi ích như vậy, dưa hấu có ích cho bà bầu hay không?

 

Ăn dưa hấu lạnh dễ khiến bà bầu bị đau bụng và tiêu chảy.

 

Các chuyên gia cho rằng, bà bầu có thể ăn dưa hấu, dưa hấu cung cấp dưỡng chất cho cả mẹ và bé. Trong thời gian đầu của thai kỳ, dưa hấu có thể giúp các bà bầu giảm bớt mệt mỏi, loại bỏ cảm giác nôn nao, ốm nghén. Trong những ngày cuối thai kỳ, bà bầu thường mệt mỏi với chứng phù nề và huyết áp tăng cao hơn bình thường.. Dưa hấu giúp lợi tiểu, giảm phù nề; giảm huyết áp, giúp bà bầu lấy lại trạng thái cân bằng trong cơ thể. Bên cạnh đó, dưa hấu còn giúp kích thích tuyến sữa, có lợi cho mẹ và bé sau này. Tuy nhiên bà bầu không nên ăn dưa hấu ướp lạnh, và cũng không nên ăn quá nhiều.

Trước và sau khi sinh, ăn dưa hấu sẽ giúp mẹ bổ máu, tăng cường sinh lực. Lượng đường trong dưa bổ sung lượng đường cho cơ thể, với những phụ nữ mới sinh, sẽ giúp bà bầu giảm bớt tình trạng bí tiểu, mất nước...

Không nên ăn nhiều dưa hấu ướp lạnh

Ăn quá nhiều dưa hấu khi mang bầu sẽ khiến lượng đường trong máu tăng cao. Trong quá trình mang thai, tâm lý của nhiều phụ nữ không ổn định, sinh lý cũng có nhiều thay đổi, lượng insulin tiết ra không đủ, khiến tác đụng của đường trong máu giảm, đẩy nồng độ đường trong máu lên cao, gây ra bệnh tiểu đường.

Ăn dưa hấu lạnh dễ khiến bà bầu bị đau bụng và tiêu chảy.

Do đó, bà bầu không nên ăn quá nhiều dưa hấu, càng không nên ăn dưa hấu ướp lạnh, dù là ngày hè có oi bức đến đâu. 

Theo Afamily

Gây mê sản khoa và những áp lực

Sự hỗ trợ đắc lực của các phương pháp vô cảm trong sản khoa đã giúp các sản phụ vượt cạn an toàn và khỏe mạnh hơn, tuy nhiên vai trò của người làm gây mê hồi sức trong lĩnh vực này hầu như chưa được đánh giá đúng. Tại Hội nghị gây mê sản khoa toàn quốc lần đầu tiên vừa được tổ chức tại Hà Nội, GS. Nguyễn Thu - Chủ tịch Hội gây mê hồi sức Việt Nam cho biết, vô cảm trong sản khoa vô cùng nhạy cảm vì liên quan trực tiếp đến 2 tính mạng, do vậy cần có sự kết hợp chặt chẽ và phát triển đồng bộ của 2 chuyên ngành này mới có thể giảm tối đa nguy cơ tai biến.

"Vượt cạn không đau"- nhu cầu mang tính nhân văn

BSCKII Trương Quốc Việt - Bệnh viện Từ Dũ cho biết, đau đớn khi chuyển dạ thực sự là nỗi sợ của nhiều sản phụ. Điều đó được ví như "nỗi thống khổ" mà người phụ nữ phải trải qua khi được làm mẹ. Những cơn đau chuyển dạ quá mức sẽ làm tăng tiết catecholamin trong máu, co mạch rốn, tăng thông khí..., cơn đau có thể làm cho cuộc chuyển dạ trở nên khó khăn, phức tạp hơn, nhất là trong trường hợp sản phụ có các bệnh lý kèm theo như tim mạch, hô hấp, nội tiết... Mặt khác, chính sự đau đớn này đã làm tăng chứng stress, thậm chí là trầm cảm sau sinh của nhiều sản phụ.

Gây mê sản khoa nhạy cảm vì liên quan đến hai tính mạng.

Theo các chuyên gia sản khoa, nếu kiểm soát được các cơn đau, nhiều sản phụ có thể sinh con bình thường qua đường tự nhiên. Với sự hỗ trợ của các phương pháp giảm đau, "vượt cạn không đau" ngày càng chứng tỏ đây là một biện pháp điều trị mang tính nhân văn. Có nhiều phương pháp giảm đau trong chuyển dạ, từ các phương pháp không dùng thuốc như thư giãn, tập thở, liệu pháp tâm lý... đến các phương pháp dùng thuốc mê hô hấp, thuốc giảm đau trung ương, gây tê vùng, gây tê tủy sống, gây tê ngoài màng cứng...

Gây mê chưa được phát triển đồng bộ với phẫu thuật

Các bác sĩ sản khoa và gây mê đều nhận định, trong nhiều trường hợp phải chỉ định phẫu thuật hoặc can thiệp lấy con, quá trình vô cảm quyết định thành công tới 50% nhưng chưa có sự phát triển đồng đều giữa 2 chuyên ngành này. Về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Đức Hinh - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, các phương pháp vô cảm như gây tê vùng, gây mê... đã đóng vai trò quan trọng cho thành công của sản khoa, đặc biệt là phẫu thuật. Trước đây tỷ lệ tai biến trong sản khoa có nguyên nhân từ kỹ thuật mổ cao hơn nguyên nhân từ kỹ thuật vô cảm, nhưng thời gian qua, trình độ phẫu thuật viên tiến bộ rất nhanh, tai biến do phẫu thuật giảm đi nhiều nhưng tai biến của gây mê ít thay đổi.

Một thực tế cần được nhìn nhận là sau mỗi thành công của các ca phẫu thuật sản khoa, người ta chỉ biết đến phẫu thuật viên còn bác sĩ gây mê thì ít được quan tâm nhưng khi tai biến xảy ra thì hầu như trách nhiệm lại thuộc nhiều về họ. Đây là điều khiến các nhà chuyên môn trăn trở phải làm sao cho 2 chuyên ngành cùng nhau đưa ra những kinh nghiệm phối hợp tốt nhất trong đó gây mê hồi sức là một nội dung đặc biệt quan trọng.

Nhiều áp lực cho bác sĩ gây mê

GS. Nguyễn Thụ - Chủ tịch Hội gây mê hồi sức Việt Nam cho biết. Để giảm được tối đa các tai biến trong sản khoa do gây mê, cần có sự cập nhật thường xuyên những nghiên cứu mới, những đánh giá cụ thể trong quá trình điều trị để tìm ra được các phương pháp vô cảm tốt nhất.

Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Tú - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, Trưởng Bộ môn Gây mê hồi sức, áp lực bác sĩ gây mê trong mỗi cuộc mổ rất lớn. Họ phải đánh giá chính xác được tình trạng bệnh nhân trước khi thực hiện kỹ thuật vô cảm, phải "đọc được" diễn biến của người bệnh suốt quá trình trong và sau mổ. Họ cần có sự hiểu biết sâu sắc giữa lâm sàng, ngoại khoa và dược lý. Vì những yêu cầu khắc nghiệt đó mà người ta ví mỗi cuộc gây mê như quá trình của một chuyến bay, luôn đối mặt với rủi ro từ khi cất cánh đến lúc hạ cánh. Để hạn chế những tai biến liên quan đến gây mê rất cần thiết phải đánh giá đúng vai trò và đầu tư thỏa đáng cho chuyên ngành này, điều đó không chỉ áp dụng trong sản khoa mà trong tất cả những lĩnh vực khác cần thiết sự trợ giúp của gây mê hồi sức.

 Lê Hảo

Điều trị nấm candida sinh dục

Tôi năm nay 30 tuổi, đã lập gia đình, tôi thường xuyên bị nấm candiđa sinh dục. Vậy xin hỏi có cách nào chữa dứt điểm không, cần dùng thuốc gì? Nếu dùng lâu thì thuốc có độc cho gan thận không? Nghe nói thuốc chống nấm dạng uống có nguy hiểm khi dùng cùng chung với thuốc chống ngứa, có đúng không?

(Ng. N. T. V. - Bến Tre)

Bệnh candida sinh dục, có tên khoa học là candida albican, bệnh gặp ở cả nam lẫn nữ. Đây không phải là một bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhưng sinh hoạt tình dục tạo điều kiện thuận lợi cho vi nấm phát triển.

Về điều trị, nhờ những tiến bộ của y học, nếu chẩn đoán đúng là nấm candida sinh dục chỉ cần điều trị đúng thuốc, đủ liều là bệnh sẽ khỏi hoàn toàn, thuốc thường dùng hiện nay là fluconazole, dùng với liều 150mg uống một lần duy nhất. Hoặc dùng itraconazole uống với liều 200mg uống1 lần/ngày, uống trong 3 ngày, hoặc dùng với 200mg uống 2 lần trong 1 ngày duy nhất. Đối với nữ, thường kết hợp với thuốc đặt âm đạo như miconazole 200mg, đặt 1 viên khi đi ngủ trong 3 ngày hoặc clotrimazole 200mg, đặt 1 viên khi đi ngủ trong 3 ngày. Trường hợp bệnh mạn tính hoặc bị tái phát nhiều lần thì trước hết phải kiểm tra xem có bệnh đái tháo đường, các nguyên nhân gây suy giảm sức đề kháng và làm thuận lợi cho nấm phát triển như dùng kháng sinh kéo dài, corticoid, thuốc tránh thai có estrogen. Không mặc quần áo quá chật hay ẩm ướt. Đối với nam thường không cần điều trị vì bệnh có thể tự khỏi, tuy nhiên nếu bị viêm bao quy đầu thì có thể bôi các kem chống nấm như ketoconazole, clotrimazole. Hầu hết các thuốc thuộc nhóm kháng sinh chống nấm, nhất là dạng uống đều có độc tính, chuyển hóa và đào thải qua gan thận, nên sử dụng cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt các thuốc chống nấm như ketoconazol, itraconazol… Tuyệt đối không được dùng chung với thuốc chống dị ứng gọi là kháng histamine như: astemizol, terfenadine… vì có nguy cơ gây tử vong do xoắn đỉnh.

BS. TRẦN GIANG

Bà bầu nào không nên đi du lịch?

Ngày nay, nhu cầu đi du lịch, tham quan của các gia đình, cơ quan đã trở nên phổ biến, trong đó có đối tượng là phụ nữ mang thai. Vậy điều kiện để một phụ nữ mang thai có thể đi du lịch hay không là gì? Đi du lịch ở đâu để an toàn cho cả mẹ và con? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn đọc trả lời câu hỏi đó.

Thai phụ có bệnh lý gì thì không nên đi du lịch?

Một số chống chỉ định tương đối khi phụ nữ mang thai muốn đi du lịch gồm các  yếu tố nguy cơ sản khoa như: tiền sử sảy thai, sinh non, hở cổ tử cung, nhiễm độc thai nghén. Đối với sản phụ trước đây có các bệnh như đái tháo đường, suy tim, thiếu máu nặng, huyết khối nghẽn mạch... cần phải hoãn chuyến du lịch. Các địa danh du lịch có thể gây nguy cơ cao cho sản phụ và thai nhi như vùng núi cao, vùng cần tiêm chủng vaccin virut sống, vùng có dịch sốt rét... là những nơi không nên đến trong bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ. Bạn cũng phải lưu ý đến một số bệnh đặc biệt như sau:

Bệnh sốt rét: Thai phụ mà bị sốt rét trong thai kỳ có nguy cơ tử vong cao. Bệnh sốt rét có thể xảy ra nặng với các biến chứng như sốt rét thể não, tán huyết ồ ạt và suy thận, thường xảy ra trong thai kỳ. Ảnh hưởng của sốt rét với bào thai gồm sảy thai tự nhiên, thai chết lưu, sinh non và nhiễm khuẩn bẩm sinh.

 Thai 18-24 tuần là giai đoạn có thể đi du lịch bằng máy bay.

Tiêu chảy: Trường hợp thai phụ bị tiêu chảy, do mất nước có thể làm lưu lượng máu đến rau thai không đủ, vì vậy thai phụ cần đặc biệt lưu ý ăn, uống đầy đủ để đảm bảo dinh dưỡng cho mình và cho thai nhi. Nên ăn chín, uống sôi, dùng nước uống đóng chai hoặc nước đun sôi để nguội, ăn thức ăn nấu kỹ và các sản phẩm sữa được khử khuẩn. Bạn cần tránh dùng các món rau sống, mắm tôm, tép sống, không ăn thịt bò tái và hải sản tái để phòng tránh bệnh tiêu chảy, viêm gan E vì chúng dễ gây biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ.

Điều trị tiêu chảy chủ yếu là bù nước và điện giải. Có thể dùng kết hợp kaolin-pectin và loperamid nếu cần thiết, kháng sinh quinolon bị chống chỉ định trong thai kỳ. Có thể dùng ampicillin, azithromycin hoặc cephalosporin thế hệ ba. Nếu bà mẹ đi du lịch cùng con nhỏ thì nên cho trẻ bú mẹ là chủ yếu, hạn chế cho trẻ ăn thức ăn bên ngoài. Một người mẹ đang điều trị tiêu chảy cũng không nên ngừng cho con bú mà nên tăng cường lượng dịch nhập vào cho người mẹ.

Vấn đề đi máy bay và đến vùng cao

Điều kiện để phụ nữ mang thai có thể đi du lịch

Muốn biết một phụ nữ mang thai có thể đi du lịch hay không, bạn cần dựa vào các yếu tố sau đây: lộ trình chuyến du lịch; tiền sử bệnh tật của thai phụ; chất lượng chăm sóc y tế ở nơi đến du lịch. Theo các chuyên gia y tế thì giai đoạn an toàn nhất trong thai kỳ có thể đi du lịch là ba tháng giữa (từ 18 - 24 tuần), khi đó nguy cơ sảy thai và đẻ non ở mức thấp nhất. Một số bác sĩ sản khoa khuyến cáo thai phụ sau 28 tuần nên ở gần nhà để đề phòng các vấn đề rắc rối xảy ra. Nhưng đối với thai phụ khoẻ mạnh, việc đi du lịch có thể vẫn thực hiện được.

Đi máy bay chở khách không phải là nguy cơ đối với sản phụ khoẻ mạnh hay đối với bào thai. Bởi vì sự nhận oxy của bào thai không bị ảnh hưởng do áp suất trong khoang máy bay giảm nhờ có đường cong phân ly hemoglobin ở bào thai, mức bức xạ cao hơn ở độ cao trên 10.500m không ảnh hưởng đến thai phụ khoẻ mạnh khi đi máy bay. Đặc biệt mỗi hãng máy bay đều có chính sách dành cho phụ nữ mang thai, nếu muốn đi, tốt nhất bạn nên kiểm tra với hãng máy bay khi đăng ký giữ chỗ. Du lịch bằng máy bay nội địa thường được cho phép đến tuần thứ 36 (9 tháng), nhưng du lịch quốc tế bằng máy bay thường giới hạn ở tuần thứ 32 (8 tháng) của thai kỳ.

Những tua du lịch lên các vùng núi cao trên 2.000m, do thiếu thời gian rèn luyện để thích nghi khí hậu, thai phụ có thể bị thiếu oxy. Dấu hiệu nặng nhất và kéo dài nhất là đau đầu, kèm theo các triệu chứng: uể oải, buồn ngủ, chóng mặt, rét run, buồn nôn và nôn, khó thở và tím tái. Sau đó là bừng đỏ mặt, dễ kích thích, khó tập trung, ù tai, rối loạn thị lực, thính lực, chán ăn, mất ngủ, khó thở tăng, đau đầu tăng, nhịp tim nhanh, thở nhanh ngắt quãng, sút cân. Có khi nặng hơn như bị phù phổi và bệnh não. Khi thấy các triệu chứng nói trên phải đưa thai phụ trở lại độ cao thấp hơn và cho thở oxy 2-3 lít/phút.

Như vậy, thai phụ không nên đi du lịch ở những địa danh có độ cao từ 2.000m trở lên. Thai phụ có các bệnh mạn tính như tim mạch, phổi mạn tính, tiểu đường... cũng không nên đi du lịch.

BS. Trần Thanh Tâm

Vì sao da bị rạn khi mang thai?

Cháu mang thai được 7 tháng, da bụng cháu rạn rất nhiều. Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân và cách khắc phục?

Trần Thu Thảo (Hà Tĩnh)

Hầu hết khi mang thai, phụ nữ thường bị rạn da bụng, da bầu vú, đùi. Điều này không ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng lại làm mất thẩm mỹ sau sinh. Da của chúng ta có khả năng co giãn và đàn hồi rất tốt nhờ các sợi collagen và elastin. Khi mang thai, bụng, mông và ngực của phụ nữ thường tăng nhanh về kích thước nên da không giãn ra kịp, các sợi collagen và elastin bị đứt, gãy. Các vết đứt gãy đó xảy ra liên tiếp tạo thành các vết rạn, nứt. Ban đầu sẽ có màu đỏ nâu do các mạch máu dưới da bị tổn thương, sau khi sinh, cơ thể hồi phục, các vết rạn sẽ chuyển thành sẹo màu trắng, đến lúc này thì việc điều trị sẽ trở nên vô cùng khó khăn vì các vết rạn đã trở thành sẹo vĩnh viễn. Để khắc phục tình trạng trên, khi bắt đầu có thai, bạn nên bôi kem, mỡ tránh rạn da hiện có bán trên thị trường; mát-xa để tăng sự lưu thông máu; ăn, uống các thực phẩm có chứa vitamin C, E.

BS. Vũ Thu Dung

Phòng bệnh viêm tuyến sữa sau sinh

Viêm tuyến sữa sau sinh là bệnh thường gặp, nhất là các sản phụ sinh con lần đầu. Bệnh xuất hiện vào khoảng 3-4 tuần đầu sau khi sản phụ cho con bú, nên bệnh mới có tên gọi là viêm tuyến sữa sau sinh.

Nguyên nhân

Vi khuẩn gây bệnh đa số là tụ cầu vàng và liên cầu, thông qua vết nứt trên núm vú hoặc đường tuần hoàn máu bị nhiễm. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là sữa tươi ngưng tụ, vú tiết sữa không thông.

 Tự khám tuyến vú.
Tại sao lại thường gặp bệnh này ở những sản phụ sinh con lần đầu? Nguyên nhân chủ yếu là do sinh con lần đầu, da đầu núm vú còn non nớt, lại thêm cho con bú lần đầu thường không đúng cách, khiến bé cứ lôi kéo, ma sát nhiều, gây tổn thương da đầu núm vú, hình thành những vết nứt. Đặc biệt ở những sản phụ núm vú thụt vào hoặc bằng phẳng quá, khiến bé bú khó khăn nên bé sẽ cắn mút đầu vú, hình thành nên những vết thương nhỏ và loét, dần dần dưới kích thích bú sữa của bé, đầu vú của sản phụ sẽ nứt rộng hơn. Khi đầu vú đã nứt thì cho con bú sẽ gây đau, sản phụ sẽ cho con bú không đều, thậm chí không cho bú nữa, khi đó một lượng lớn sữa, các sản vật của sữa sau khi phân giải là nơi thích hợp nhất cho vi khuẩn bên ngoài xâm nhập được vào tuyến sữa qua vết nứt của đầu vú, sẽ sinh sôi nhanh chóng trong tuyến sữa, dẫn đến viêm tuyến sữa.

Triệu chứng

Bệnh nhân bỗng nhiên cảm thấy ớn lạnh, người nóng ran, bầu vú cứng lại, nổi lên từng cục hồng và gây đau đớn. Nếu kịp thời dùng thuốc kháng sinh thì bệnh tình sẽ được khống chế rất nhanh. Nếu điều trị không kịp thời hoặc không điều trị, thì bệnh sẽ nặng lên rất nhanh, đau đớn cục bộ, ấn nhẹ vào cũng rất đau, sốt cao không hạ, dẫn tới mưng mủ cục bộ, thậm chí dẫn tới chứng bại huyết. Vì vậy, tích cực đề phòng và trị liệu bệnh này là một trong những nội dung quan trọng nhất của bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em sau sinh.

 Cấu tạo tuyến sữa.
Điều trị

Cần điều trị càng sớm càng tốt, ngay từ khi bệnh mới phát. Khi cho con bú mà cảm thấy đau đầu vú, thì sau khi con bú hãy bôi thuốc kháng sinh dạng mỡ, dầu gan cá. Nếu đầu vú đã nứt, có thể tạm dừng cho bé bú trực tiếp mà hãy dùng dụng cụ hút sữa, hút sữa ra cho bé bú, hoặc dùng núm trợ bằng silicon hoặc cao su. Nếu đã viêm tuyến sữa cấp tính thì bắt buộc phải uống kháng sinh theo đơn của bác sĩ. Nếu đã mưng mủ thì bắt buộc phải rạch để lấy hết mủ ra. Ngoài ra có thể kết hợp uống các loại thanh nhiệt giải độc của Đông y, hiệu quả sẽ càng tốt hơn.

Đề phòng

Việc đầu tiên phòng nứt đầu vú là trong thời kỳ đầu mang thai, nếu núm vú thụt vào hoặc bằng phẳng thì phải vê kéo dần ra ngoài hàng ngày, nhất là từ khi mang thai 5 tháng, nên rửa sạch, sau đó bôi lên chút dầu ăn, khiến lớp da đầu vú dày và vững hơn, khi sinh nở và cho con bú sẽ không bị nứt nữa. Tiếp đến, cần cho con bú đúng giờ, mỗi lần bú không quá dài, khoảng 10 -15 phút là đủ, không để trẻ ngậm đầu vú ngủ. Mỗi lần cho bú phải bú hết sạch bên này rồi mới đổi sang bên kia, nếu bú không hết thì hút sữa ra. Lần kế tiếp cho bú thì lại bú bên kia trước, hết sạch rồi mới đổi sang bên này. Thay đổi kế tiếp như vậy để tránh việc sữa không được bú hết sẽ tích tụ lại. Nếu có điều kiện bạn nên tận dụng sự tư vấn, giúp đỡ của các bác sĩ chuyên khoa.

BS. NGỌC LAN

Phá thai nội khoa

Phá thai nội khoa (PTNK) là dùng thuốc khác với phá thai ngoại khoa là dùng phẫu thuật (Nạo hút). Phá thai ngoại khoa thường có các tai biến như: chảy máu, sót nhau, thủng tử cung, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và tương lai sinh sản. Tỷ lệ tử vong bà mẹ ở nước ta thấp hơn các nước trong khu vực, song trong số tử vong mẹ cũng có 5% liên quan đến nạo phá thai (nhiễm khuẩn 20%, chảy máu 40%). Một số nghiên cứu cho thấy, nạo phá thai còn liên quan đến các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục. Tâm lý chung của chị em là muốn có một phương pháp phá thai ít tai biến, ít ảnh hưởng đến sức khỏe, kín đáo, tế nhị. Phá thai bằng nội khoa đáp ứng các yêu cầu này.

Dùng loại thuốc gì, theo phác đồ nào?

Trên thế giới có 4 loại thuốc phá thai: epostan, methotrexat, mifepriston, misoprostol. Nước ta dùng mifepriston, misoprostol.

Mifepriston là một steroid tổng hợp. Hormone progesteron do hoàng thể tiết ra trong chu kỳ kinh nguyệt, có tác dụng làm dày niêm mạc tử cung cho trứng làm tổ, để khi có thai thì thai bám chắc vào đó. Mifepriston đối kháng với progesteron, cản trở quá trình này. Nếu dùng sớm khi chưa thụ thai thì mifepriston sẽ ngăn cản sự thụ thai. Nếu dùng muộn khi đã có thai chưa quá 49 ngày thì mifepriston làm bong thai ra khỏi niêm mạc tử cung. Lúc này nó được coi là thuốc phá thai. Cơ chế ở đây là sự tranh chấp giữa mifepriston và progesteron. Khi dùng muộn (thai đã quá 49 ngày), mifepriston sẽ không làm bong thai ra được, nghĩa là thuốc không thực hiện được tính năng phá thai.

Misoprostol tác dụng như một prostaglandin, làm tăng cường co bóp tử cung. Sau khi mifepriston làm bong thai ra khỏi niêm mạc tử cung thì sự co bóp do misoprostol gây ra sẽ tống thai ra ngoài. Như vậy, khi dùng với vai trò tránh thai thì chỉ dùng đơn độc mifepriston nhưng khi dùng với vai trò phá thai thì nhất thiết phải dùng mifeproston kết hợp với misoprostol. Nếu không dùng kết hợp như thế, thai sẽ không bị tống ra ngoài. Với những người không chịu được các tác dụng của prostaglandin thì cũng không thể dùng misoprostol, mà phải dùng cách khác (không đi chi tiết vào trường hợp cá biệt này).

 PTNK chỉ được thực hiện tại những cơ sở được Bộ Y tế cho phép.
Từ năm 2002, nước ta đã có những nghiên cứu về phương pháp này và đó là cơ sở để đưa ra phác đồ PTNK nằm trong khuôn khổ của “Chuẩn mực quốc gia chăm sóc sức khỏe sinh sản” ban hành vào tháng 2/2003. Theo đó, có 3 bước:

Bước 1 (làm bong thai): uống mifeproriston 200mg ngay tại phòng khám. Thuốc sẽ làm tróc túi thai ra khỏi niêm mạc tử cung. Sau đó, thai phụ về nhà, tự theo dõi theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Bước 2 (tống thai ra ngoài): sau 48 giờ, thai phụ trở lại bệnh viện uống tiếp misoprostol 400mg. Thuốc này sẽ tăng cường co bóp tử cung tống thai ra ngoài. Thai phụ sau khi uống thuốc này, phải lưu lại tại bệnh viện trong 3 giờ để theo dõi mạch, huyết áp mỗi 30 phút một lần. Nơi theo dõi phải có đủ các phương tiện cấp cứu về tim mạch, đồng thời phải có phương tiện vận chuyển để có thể đưa người bệnh lên tuyến trên nếu cần thiết.

Bước 3 (kiểm tra hiệu quả): sau 14 ngày kể từ lần dùng thuốc thứ hai, thai phụ phải đến khám lại để xác định kết quả. Nếu siêu âm vẫn thấy thai phát triển, tim thai vẫn đập thì có nghĩa là không đạt được hiệu quả PTNK, phải dùng cách phá thai khác mà không để lưu lại thai.

Điều cần lưu ý để có hiệu quả, tránh tai biến

- Chỉ dùng phương pháp PTNK cho: thai phụ khi tuổi thai dưới 49 ngày (mới có kết quả). Thai phụ vì trường hợp đặc biệt không thể dùng phương pháp phá thai ngoại khoa.

- Không dùng phương pháp PTNK cho: thai phụ khi thai đã quá 49 ngày tuổi (không có kết quả). Thai phụ có thai ngoài tử cung, đang mang vòng, bị thiếu máu nặng, bị bệnh gan và thận, đang dùng corticoid kéo dài.

- Chỉ được thực hiện phương pháp PTNK tại bệnh viện tỉnh và bệnh viện trung ương, nghiêm cấm thực hiện phương pháp phá thai này tại các phòng khám tư.

- Khi đã chấp thuận dùng phương pháp PTNK thì phải quyết tâm theo đuổi liệu trình đến cùng chứ không được bỏ dở.

- Thai phụ cần nói rõ với thầy thuốc tuổi thai, tiền sử bệnh tật. Đây là những thông tin quan trọng giúp thầy thuốc thêm sự chính xác trong chẩn đoán và quyết định áp dung phương pháp PTNK.

- Thuốc có thể gây một số hiện tượng như: ra máu, rỉ máu kéo dài, buồn nôn, nôn. Thực chất đây là những hiện tượng bình thường vẫn có trong sảy thai tự nhiên nhưng thai phụ cần được báo trước để khỏi hoang mang.

-Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ do bản chất của thuốc. Mifepriston gây bất lợi cho người suy gan suy thận, misoprostol gây bất lợi cho người chậm đông máu. Những tác dụng phụ do bản chất của thuốc gây ra đã được nêu trong chống chỉ định của thuốc (xem phần trên).

Nước ta có tỷ lệ phá thai cao, ước tính có 1/3 số người có thai muốn kết thúc thai kỳ bằng biện pháp phá thai. Mặc dù có thể xảy ra tai biến và chỉ thực hiên được trong những cơ sở kỹ thuật nhất định nhưng phương pháp PTNK có những ưu điểm lớn, đem lại lợi ích cho số đông người có thai ngoài ý muốn. Tất nhiên, phá thai dù theo phương pháp nào cũng chỉ là cách giải quyết hậu quả, không phải là biện pháp khuyến khích mà tốt hơn hết là cần có biện pháp thai theo kế hoạch.

Tai biến do PTNK tuy ít gặp nhưng nếu xảy ra thì rất nặng (các tai biến về tim mạch dẫn đến tử vong), cũng có những tai biến xảy ra khó nhận biết (như khi không hiệu quả mà bỏ dở thì thai sẽ phát triển bị dị dang, dị tật). Thai phụ cần chọn đúng địa chỉ được Bộ y tế cho phép thực hiện kỹ thuật PTNK, không đến những địa chỉ không cho phép hay nghiêm cấm thực hiện kỹ thuật này, khi đã chấp nhận phương pháp này thì phải theo đuổi đủ liệu trình đến cùng.

DS.CKII. BÙI VĂN UY

Các biến cố thường gặp khi chuyển dạ

Sau khi mang thai và chuẩn bị đến kỳ sinh nở các thai phụ thường lo lắng, nếu các ca đẻ diễn ra suôn sẻ với sự trợ giúp của cán bộ y tế. Tuy nhiên, quá trình chuyển dạ có thể gặp một số biến cố không lường trước như băng huyết, sa dây rau, kiệt sức... đòi hỏi người đỡ phải theo dõi sát và xử lý kịp thời để tránh nguy hiểm cho mẹ và con.

 Ảnh minh họa.
Băng huyết

Xảy ra nhiều nhất là trong thời kỳ xổ rau. Nguyên nhân là rách toác đường sinh dục. Rách cổ tử cung, âm đạo gây băng huyết mạnh nhất, rồi đến rách âm môn (tầng sinh môn). Vỡ tử cung không chỉ nguy hiểm vì gây chảy máu mà còn gây đau và choáng toàn thân nặng, tỷ lệ tử vong rất cao. Chẩn đoán không khó vì có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Nếu được xử trí cầm máu ngay lập tức thì ít nguy hiểm nhưng nếu để chậm (chậm chẩn đoán hoặc chậm xử trí), tình trạng sản phụ nặng lên rất nhanh, nguy cơ tử vong sẽ tăng lên nhiều. Những người đã sinh con nhiều lần hoặc đã có tiền sử chảy máu nặng, người trên 35 tuổi mới sinh con lần đầu hoặc đã có sẹo ở tử cung do mổ... dễ bị tai biến này.

Vỡ ối non và vỡ ối sớm

Vỡ ối non là tình trạng khi chưa có dấu hiệu chuyển dạ mà ối đã vỡ.

Vỡ ối sớm là khi đã có chuyển dạ nhưng cổ tử cung chưa mở hết.

Về bản chất, vỡ ối non nguy hiểm hơn vì chỉ chừng 5-6 giờ sau là nước ối đã có thể bị nhiễm khuẩn trong buồng tử cung. Thai nhi rất dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, gặp nguy hiểm khi chuyển dạ và cả sau khi sinh. Cả bà mẹ cũng có thể bị nhiễm khuẩn hậu sản nặng. Do vậy, sản phụ vỡ ối non cần được dùng kháng sinh ngay và can thiệp lấy thai ra sớm bằng đẻ chỉ huy hoặc phẫu thuật, không để chuyển dạ kéo dài vì nguy cơ tử vong rất cao cho cả mẹ và con.

Sa dây rau

Thường xảy ra lúc vỡ ối do áp lực nước ối tăng và ngôi thai (thường là ngôi đầu, ngôi mông hay ngôi vai) chưa xuống thấp. Dây rau có thể sờ thấy ngay trong âm đạo, nhiều hay ít tùy từng trường hợp. Nếu là ngôi đầu, nguy cơ thai chết sẽ lớn hơn trường hợp ngôi ngược hay ngôi ngang. Sa dây rau là một cấp cứu tức thời khi thai còn sống. Sản phụ phải lập tức nằm chổng mông (kể cả khi chuyển đi mổ hoặc nằm trên ô tô chuyển tuyến) để ngôi thai không đè vào dây rau. Nếu cứ để sản phụ nằm ngửa trên cáng, nguy cơ thai chết sẽ cao hơn. Người hộ sinh cần có gạc ấm thấm nước, đặt trong âm đạo để không cho dây rau thụt xuống.

BS. Vũ thị Hoài An

Thống kinh có nên chịu đựng?

Thống kinh (TK) là hiện tượng đau khi hành kinh, đau từ hạ vị lan lên ức, lan xuống đùi và có khi đau khắp bụng, đôi lúc bị đau đầu, cương vú… TK ảnh hưởng đến khả năng lao động, học tập và sinh hoạt hàng ngày. Phần lớn phụ nữ chịu đựng nỗi đau này mà ít đi khám bệnh hoặc không dùng thuốc giảm đau.

Nhận dạng “nỗi đau thầm”

Người ta chia TK làm 2 loại: nguyên phát và thứ phát.

TK nguyên phát hay còn gọi là TK vô căn, là đau bụng khi hành kinh của một chu kì kinh có phóng noãn, nhưng khám không tìm thấy một nguyên nhân thực thể nào. TK thường xuất hiện sớm vào lúc dậy thì, ngay sau nhưng lần có kinh đầu tiên trong đời, đó là do căng thẳng thần kinh khi thấy kinh mà chưa hiểu biết, hoặc đã bị ảnh hưởng bởi hiện tượng đau bụng khi hành kinh của những người xung quanh, trong những năm sau TK có thể nặng lên. Phần lớn phụ nữ đều bị TK vô căn. Độ tuổi có tỉ lệ mắc chứng này cao nhất là thanh thiếu niên kế đến là những người dưới 30 tuổi, tuy nhiên có nhiều người bị TK thường xuyên cho đến lúc mãn kinh.

 Ảnh minh họa.
Đau bụng trong TK vô căn là đau trằn bụng dưới, đau dữ dội từng cơn, kiểu đau co rút, đau lan ra sau lưng hay mặt trong đùi. Đau thường xuất hiện trước khi có kinh vài giờ hoặc ngay khi bắt đầu thấy kinh, kéo dài một vài ngày và có thể kèm theo buồn nôn, ngất xỉu, tiêu chảy, đau đầu và sốt.

Cơ chế đau được giải thích như sau: các tế bào nội mạc tử cung tiết ra prostaglandin và các chất chống viêm khác. Vào cuối chu kì kinh, do thay đổi nồng độ hormone sinh dục nên prostaglandin được tiết ra nhiều hơn. Người ta thấy rằng, những phụ nữ TK, nồng độ prostaglandin cao hơn bình thường. Prostaglandin làm tử cung co thắt. Tử cung co thắt gây siết chặt mạch máu tử cung làm cho các tổ chức thiếu oxy vì không đủ máu nuôi, lớp nội mạc hoại tử và tróc ra. Đau trong TK chính là do co thắt tử cung và do thiếu oxy. Ngoài đau bụng, prostaglandin còn gây triệu chứng đau đầu, buồn nôn, nôn, và tiêu chảy.

Trong TK nguyên phát, khám phụ khoa không phát hiện một dấu hiệu đặc biệt nào.

TK thứ phát là TK có nguyên nhân hay bệnh lý cụ thể nào đó. Triệu chứng đau bụng trong TK thứ phát giống như TK nguyên phát nhưng đau thường xuất hiện trước khi có kinh cả tuần, đau kéo dài hơn đến khi không còn thấy kinh và có thể đau vào các thời điểm khác trong tháng. TK thứ phát thường xuất hiện muộn sau nhiều chu kì, nhiều năm không TK, độ tuổi thường bị là 30 - 40.

Các nguyên nhân thực thể trong TK thứ phát thường là lạc nội mạc tử cung, viêm tử cung, u xơ tử cung, polyp tử cung, ung thư tử cung, đặt vòng tránh thai, chít hẹp lỗ tử cung, dính nội mạc tử cung, tử cung dị dạng, u hoặc u nang buồng trứng, vòng tránh thai.

Cơ chế đau trong TK thứ phát tùy theo bệnh lý mà khác nhau. Một phần trong cơ chế đau cũng tương tự như TK nguyên phát là do prostaglandin.

Để chẩn đoán xác định bệnh lý gây TK thứ phát, người bệnh cần phải khám phụ khoa, siêu âm, soi ổ bụng, soi buồng tử cung, chụp cộng hưởng từ MRI…

Có điều trị được không?

Đối với các cô gái mới có kinh lần đầu, cần được người lớn như: bà, mẹ, chị gái, cô, dì, cô giáo, bạn gái… đã có kinh nghiệm chăm sóc, giải thích cặn kẽ về sinh lý và vệ sinh kinh nguyệt, cần phải biết rằng kinh nguyệt không phải là bệnh mà chỉ là một hiện tượng sinh lí bình thường của người phụ nữ.

Điều trị chung cho cả hai loại TK là điều trị triệu chứng đau bằng các loại thuốc giảm đau chống viêm không có steroid như: naproxen, ibuprofen, ketoprofen… Thuốc có tác dụng làm ức chế tổng hợp prostaglandin, làm giảm co thắt tử cung, giảm lượng máu kinh. Các thuốc này nên uống trước hoặc ngay khi bắt đầu thấy kinh, uống trong 2 - 3 ngày. Những phụ nữ bị đau dạ dày tá tràng có thể dùng loại kháng viêm không có steroid ức chế COX-2 như meloxicam 7,5mg ngày uống 1 lần.

Đối với trường hợp đau dạ dày tá tràng và thống kinh mức độ nhẹ có thể dùng thuốc giảm đau thông thường, không có tác dụng ức chế prostaglandin như paracetamol (viên 500mg). Có thể dùng hormone sinh dục như thuốc tránh thai để giảm đau, tuy nhiên, việc dùng thuốc này cần phải khám phụ khoa và phải có sự theo dõi của bác sĩ sản khoa. Cơ chế tác dụng của thuốc là ức chế sự rụng trứng và giảm nồng độ prostaglandin, làm giảm co thắt tử cung, làm giảm đau khi có kinh.

 Ích mẫu.

Nhiều thảo dược có tác dụng giảm đau khi TK. Trong các loại thảo dược chế sẵn để bán trên thị trường, viên ích mẫu tác dụng giảm đau rất tốt (không nên dùng loại pha với rượu như “Cao ích mẫu”). Đây là thuốc sản xuất trong nước, giá rẻ, tiện lợi, không phải nấu hoặc sắc, khi cần sử dụng có ngay. Viên ích mẫu gồm có thành phần chính là 3 loại thảo dược: ích mẫu, hương phụ (hay còn gọi là củ gấu) và ngải cứu. Ngoài 3 thành phần chính, thuốc có thể có thêm các thành phần khác tùy theo nhà sản xuất. Thuốc tác dụng tốt trong rối loạn kinh nguyệt, kinh nguyệt không đều, đau bụng khi hành kinh, khí hư bạch đới, giúp phục hồi tử cung sau khi sinh, giúp lưu thông khí huyết, da dẻ mịn màng, tươi mát. Mỗi lần uống 1 - 2 viên, ngày uống 3 lần. Uống trước khi hành kinh 2 - 3 ngày để đạt hiệu quả tốt nhất.

Đối với TK thứ phát, điều trị triệt để triệu chứng đau phải tùy theo nguyên nhân thực thể, mức độ bệnh tật mà có phương pháp điều trị thích hợp.

Có các biện pháp nào hỗ trợ giảm đau khi TK?

Tắm rửa hàng ngày bằng nước nóng vì nước nóng làm tử cung giảm co thắt nên giảm đau. Tương tự, chườm nóng vùng bụng dưới giúp giảm đau.

Xoa bóp vùng bụng dưới hoặc lưng, châm cứu, ấn huyệt, kích thích thần kinh bằng điện cực qua da, kéo nắn cột sống… đều có tác dụng giảm đau.

Thể dục đều đặn hàng ngày làm giảm nồng độ estrogen (một hormone sinh dục nữ). Người ta thấy rằng những phụ nữ tập thể dục thường xuyên ít đau bụng kinh hơn những phụ nữ khác. Các bài tập aerobic, đi bộ, chạy bộ, đạp xe có thể giảm đau. Việc tập thể dục như vậy giúp ức chế prostaglandin hay là tăng phóng thích morphin nội sinh giúp giảm đau. Trong những ngày hành kinh, nếu thấy mệt mỏi thì nên nghỉ ngơi hợp lí.

Ăn uống đầy đủ, ít thịt và chất béo, đặc biệt bổ sung các chất như ma-nhê, kẽm, acid béo omega-3, vitamin B1 (100mg/ngày), vitamin B6 (200mg/ngày), vitamin E (400UI/ngày). Vitamin E uống 2 ngày trước và 3 ngày sau khi có kinh, cần chú ý là vitamin E có thể gây ra hành kinh kéo dài.

Không uống cà phê, không uống rượu vì rượu làm đau kéo dài, không hút thuốc lá và tránh môi trường có khói thuốc lá.

BS. LÊ DŨNG SỸ

Phương pháp nào giúp nữ giới an tâm về bệnh lý ở vú

Tạo hóa đã ban tặng cho nữ giới cặp nhũ hết sức là thiêng liêng và kỳ diệu, vừa tạo nét duyên dáng, xinh đẹp, vừa có một thiên chức làm mẹ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số bệnh lý ở tuyến vú cũng để lại nhiều nỗi lo, thậm chí là nỗi ám ảnh cho nhiều nữ giới hiện nay. Để yên tâm với niềm kiêu hãnh từ đôi nhũ của mình, chị em phụ nữ nên biết các phương pháp giúp phát hiện sớm những bất thường nhằm kịp thời điều trị.

Phương pháp tự khám vú

Tự khám vú là phương pháp đơn giản nhất, mà mọi nữ giới đều phải biết để tự kiểm tra cho mình. Bắt đầu khi bước vào tuổi 20, nên khám ngực mình từ ngày thứ 8 của chu kỳ kinh hay sau khi sạch kinh với nhịp độ mỗi tháng một lần. Khi tự khám đều đặn sẽ biết tình trạng mỗi bên vú nên rất dễ phân biệt được đâu là bình thường đâu là bất thường. Với các bước đơn giản và dễ thực hiện bằng cách đứng trước gương, tìm những thay đổi ở vú: ở trần, hai cánh tay buông xuôi hai bên hông, quan sát hai vú rồi đổi tư thế: hai tay giơ lên khỏi đầu và cuối cùng hai tay chống vào hông. Trong mỗi tư thế xoay qua, xoay lại chậm và quan sát cả hai vú để xem có gì thay đổi về kích thước, hình thể của hai vú, quan sát thay đổi mặt da vú, xem núm vú có bị kéo lệch hay tụt vào không và ấn nhẹ núm vú xem có máu hay chất dịch tiết ra ở đầu núm vú không. Tìm các thay đổi ở tư thế nằm: nằm ngửa, kê gối hoặc khăn xếp lại dưới vai bên phải, bàn tay phải đặt dưới đầu, dùng tay trái khám ngực phải, bằng cách chụm các ngón tay lại dùng phần thẳng ngón tay day tròn tìm khối u hoặc mảng dầy. Bắt đầu sờ phần hõm nách tìm hạch và khối u, sau đó sờ từ bờ ngoài của vú, sờ vòng quanh vú theo những đường vòng tròn nhỏ dần, cuối cùng là vùng sau núm vú nhằm tìm một cục u. Khi khám vú trái thì đổi ngược tư thế lại.

 Chụp nhũ ảnh.
Phương pháp kiểm tra vú bằng siêu âm

Siêu âm tuyến vú nói riêng và siêu âm tổng quát nói chung là phương tiện hiện tại đang sử dụng phổ biến và rộng rãi ở nước ta. Đây là kỹ thuật dùng sóng âm thanh có tần số cao đưa vào trong cơ thể rồi ghi nhận và phân tích sóng dội ngược về để tạo nên hình ảnh ở màn hình máy siêu âm. Siêu âm là một phương tiện khám tuyến vú an toàn, nhanh chóng, đơn giản, là thủ thuật không xâm lấn vào tuyến vú, không đau, rẻ tiền, không gây độc hại cho nên có thể thực hiện cho mọi đối tượng, mọi lứa tuổi từ người cao tuổi đến em bé mới chào đời. Siêu âm tuyến vú có thể được thực hiện bất kỳ lúc nào của chu kỳ kinh nguyệt, kể cả lúc có thai hay đang cho con bú. Siêu âm tuyến vú giúp đánh giá được tình trạng bình thường hay phát hiện được nhiều bệnh lý của vú như: xơ nang tuyến vú, các khối u vú lành hay ác, viêm vú, abces vú… Tuy nhiên, siêu âm chỉ là cảm nhận có tính chất chủ quan của bác sĩ siêu âm, nên kết quả còn phụ thuộc vào chất lượng của máy và kinh nghiệm của bác sĩ.

Chẩn đoán tế bào học bệnh tuyến vú

Là phương pháp chọc hút tế bào bằng kim nhỏ, với tên khoa học Fine Needle Aspiration, viết tắt là FNA. Phương pháp này có các ưu điểm là đơn giản, tương đối chính xác, thực hiện nhanh, ít tốn kém, an toàn, kết quả sẽ có ngay trong lần khám bệnh đầu tiên, mang lại nhiều thuận tiện cho bệnh nhân và cả thầy thuốc. Phương pháp này thường được các bác sĩ chỉ định trong trường hợp có khối u sờ được ở vú hoặc nhìn thấy qua siêu âm. Phương pháp giúp chẩn đoán phân biệt giữa u lành và u ác, để thầy thuốc và bệnh nhân có quyết định điều trị hợp lý nhất và kịp thời nhất. Về biến chứng thì hầu như không có biến chứng gì đặc biệt, có thể bị vết bầm nhỏ vùng đâm kim và mất đi sau vài ngày.

Phương pháp chụp Xquang tuyến vú

Chụp X-quang tuyến vú còn gọi là nhũ ảnh, là phương pháp dùng tia X với tần số thấp để chụp, nhưng lại có tác hại nhất định, chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ. Đây là phương pháp tốt để giúp phát hiện ung thư vú ở giai đoạn rất sớm. Phương pháp này thường được chỉ định thích hợp với người có cặp nhũ to, nhiều mỡ, nên được ưa chuộng ở nữ giới các nước phương Tây. Khi chụp đúng kỹ thuật là ép dẹp ở mỗi vú, gây đau nên đa số nữ giới không thích cho lắm với phương pháp này. Để có thể hạn chế tình trạng đau, các thầy thuốc thường chỉ định chụp khi đã hành kinh sau 7 – 10 ngày. Ở thời điểm này, tuyến vú không căng như ở thời điểm sắp hành kinh, nên kỹ thuật ép trước khi chụp sẽ dễ dàng hơn, ít đau hơn, cho hình ảnh rõ nét và giúp chẩn đoán chính xác hơn. Vì là phương pháp sử dụng tia X nên với phụ nữ mang thai chỉ chụp khi có chỉ định thật cần thiết vì ảnh hưởng tia X lên thai nhi, và cũng tránh lạm dụng với tính chất thường xuyên.

BS.CKI. TRẦN QUỐC LONG

Dinh dưỡng để thai phát triển tốt

Trong suốt quá trình mang thai, người mẹ cần tăng từ 9-12kg, trong đó 3 tháng đầu tăng 1-2kg, 3 tháng giữa tăng 3-4kg, 3 tháng cuối tăng 5-6kg. Nếu mẹ tăng cân tốt thì khi sinh ra, thai nhi sẽ đạt khoảng trên 3kg. Tăng cân tốt, cũng đồng nghĩa với việc người mẹ tích lũy được lượng mỡ lớn - chính là nguồn năng lượng dự trữ để tạo sữa sau khi sinh. Nếu người mẹ không tăng đủ cân sẽ dễ dẫn đến nguy cơ trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai, đồng nghĩa với việc thể chất và tinh thần của trẻ sẽ không được tốt. Chính vì thế, chế độ ăn uống khi mang thai vô cùng quan trọng.

Khi có thai, các bà mẹ phải luôn tâm niệm rằng mình ăn không chỉ cho bản thân mà còn cho cả đứa con trong bụng. Khi có thai, nhu cầu về năng lượng và các chất dinh dưỡng đòi hỏi cao hơn bình thường, vì nhu cầu này ngoài đảm bảo cung cấp cho hoạt động của cơ thể, sự thay đổi về sinh lý của mẹ như biến đổi về chuyển hóa, tăng cân, tăng khối lượng tuần hoàn, tăng khối lượng của tử cung, vú... còn cần thiết cho sự phát triển của thai nhi và tạo sữa cho con bú. Vì thế, bữa ăn của bà mẹ mang thai cần tăng thêm cả số lượng và chất lượng.

Vậy người mẹ ăn bao nhiêu là đủ?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bữa ăn của bà mẹ cần có đủ 4 nhóm thực phẩm: Nhóm chất bột gồm: gạo, mì, ngô, khoai, sắn... Nhóm chất đạm gồm: thịt, cá, trứng, tôm cua, đậu đỗ... Nhóm chất béo gồm: dầu, mỡ, vừng, lạc... Nhóm vitamin chất khoáng và chất xơ gồm: rau xanh và quả chín.

Trong những tháng đầu của thai kỳ, do cơ thể mệt mỏi, lại hay nghén, nên nhiều bà mẹ không ăn được nhiều và sợ cơm, vì thế, muốn đủ năng lượng, các chị nên ăn nhiều bữa, ăn các thức ăn ưa thích vào bất cứ lúc nào thấy thèm ăn. Nên ưu tiên thực phẩm thuộc nhóm chất bột vì đây là nguồn cung cấp năng lượng chính, tuy nhiên cần có tỷ lệ cân đối với các nhóm khác, nếu không cũng sẽ có hại cho sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Trong 6 tháng sau của thai kỳ, nhu cầu năng lượng của bà mẹ là 2.550kcal/ngày, tăng hơn người bình thường mỗi ngày là 350kcal, do đó, mỗi ngày người mẹ cần ăn thêm từ 1 đến 2 bát cơm.

Nhóm chất đạm rất cần thiết cho bà mẹ mang thai. Nhu cầu chất đạm của người mẹ tăng lên một phần để tổng hợp protein cho cơ thể mẹ, đồng thời còn phải cung cấp protein cho thai nhi và nhau thai hình thành và phát triển. Chất đạm cần cho sự phát triển mọi bộ phận của thai nhi đặc biệt là tế bào não. Do vậy, ngoài nhóm chất bột, người mẹ mang thai cần bổ sung thêm các thức ăn giàu đạm như thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua... Nên dùng nhiều thực phẩm vừa giàu đạm vừa giàu canxi như tôm, cua, cá, ốc để giúp tạo khung xương vững chắc cho bào thai và phòng loãng xương cho người mẹ. Cũng nên tận dụng nguồn đạm thực vật như đậu tương, đậu xanh, các loại đậu khác và vừng lạc. Những thức ăn này vừa rẻ, vừa giàu dinh dưỡng, dễ tiêu, lại có thêm chất béo, cùng với dầu và mỡ vừa giúp tạo năng lượng dự trữ và gây dựng các tế bào của thai nhi, lại vừa giúp hấp thu tốt các vitamin tan trong dầu (vitamin A, D, E). 

Bên cạnh khẩu phần ăn cân đối giữa chất bột, chất đạm, chất béo, bữa ăn của bà mẹ mang thai không thể thiếu rau xanh, quả chín. Các loại rau, củ, quả: rau muống, rau ngót, rau cải, rau giền, mồng tơi, rau đay, cà rốt, củ cải, gấc, su hào, xoài, chuối, đu đủ, nhãn, na... là nguồn cung cấp vitamin C, vitamin A, vitamin E giúp bà mẹ tăng cường sức đề kháng; cung cấp chất sắt, axit folic tham gia vào quá trình tạo máu... Ngoài ra, các bà mẹ trong vòng một tháng đầu sau khi sinh nên uống một liều vitamin A 200.000 đơn vị để đủ vitamin A trong sữa cho con bú 6 tháng đầu. Để có đủ lượng máu nuôi dưỡng cả cơ thể mẹ và con,  nên ăn nhiều các thức ăn có nhiều sắt như thịt nạc, trứng, tim, gan, bầu dục, đậu đỗ, rau xanh... Ngoài ăn uống,  bà mẹ cần uống thêm viên sắt với hàm lượng 60mg sắt nguyên tố và 0,4mg folic hàng ngày từ lúc bắt đầu mang thai tới sau khi sinh 1 tháng.

Khi mang thai, bà mẹ còn cần uống đủ nước. Lượng nước cần thiết hàng ngày khoảng 1,5 lít. Không nên sử dụng các loại nước giải khát công nghiệp có lượng đường cao. Cũng cần hạn chế dùng các loại kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá, nước chè đặc; giảm ăn các loại gia vị như ớt, hạt tiêu, tỏi, giấm.

BS. Cẩm Nga

Nhận biết chứng trầm cảm khi mang thai

Niềm vui biết mình có thai chưa được bao lâu, bỗng dưng bạn cảm thấy buồn. Tình hình ngày càng tồi tệ hơn, thai phụ cảm thấy mình có lỗi về tâm trạng của bản thân và càng khiến sự chán nản tăng lên. Liệu có vấn đề gì chăng?

Dấu hiệu của trầm cảm

Mang thai luôn là một giai đoạn thú vị nhưng không phải luôn là như vậy và không phải phụ nữ nào cũng thấy thế. Ít nhất 10% thai phụ bị bệnh trầm cảm (TC). Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng tỉ lệ thai phụ bị TC thực tế cao hơn nhiều. Bởi phần lớn cố gắng che đậy cảm giác thực của mình, luôn tự nhận là giai đoạn thú vị, đáng nhớ và cho rằng sự buồn chán chỉ là một trạng thái bình thường. Nhưng TC có thể là một vấn đề nghiêm trọng đối với nhiều chị em. Dưới đây là một số biểu hiện cho thấy dấu hiệu của bệnh TC:

- Khả năng tập trung kém.

- Lo lắng.

- Rất dễ cáu kỉnh.

- Rối loạn giấc ngủ.

- Mệt mỏi quá mức hoặc không dứt.

- Lúc nào cũng thèm ăn hoặc chẳng muốn ăn gì.

- Không cảm thấy thích thú, hào hứng hay vui vẻ với bất cứ thứ gì.

- Buồn bã không dứt.

 Thai phụ cần phải khám thai định kỳ.
Nguyên nhân từ đâu?

Nhiều chuyên gia tin rằng hormone thai kỳ chính là thủ phạm. Sự tăng giảm của hormone ảnh hưởng đến tất cả phụ nữ có thai nhưng một số sẽ nhạy cảm hơn. Một nguyên nhân khác có thể dẫn tới TC là sự phức tạp trong các mối quan hệ, đặc biệt nếu hai vợ chồng đang trục trặc hoặc thai phụ đang mâu thuẫn với gia đình nhà chồng. Mang thai ngoài ý muốn, đặc biệt là ngay sau khi kết hôn hoặc mới sinh con được 1 thời gian cũng có thể gây ra TC cho mẹ hoặc cho cả bé. Tài chính khó khăn cũng có thể góp phần làm giảm niềm vui sắp được làm mẹ.

Một số nguyên nhân khác:

- Bản thân hay gia đình có tiền sử

TC: Nếu TC từng xảy ra ở người thân trong gia đình, hoặc nếu bản thân có bệnh thì cũng rất dễ bị TC khi mang thai.

- Gặp sự cố: bất kỳ một biến động nào trong cuộc sống như sự ra đi của một người thân yêu, ly dị hay mất việc đều có thể gây ra TC.

- Cô độc: bạn hay chồng phải đi xa dài ngày trong giai đoạn có thai? Bạn đang sống và làm việc trong một thành phố không thân thuộc? Bạn sống xa người thân và thấy nhớ họ? Cảm thấy cô đơn khi không có ai để chia sẻ... đều có thể dẫn tới TC.

- Có vấn đề về thai sản: từng gặp vấn đề về thai sản như nghén nhiều hoặc cảm thấy mình không được nghỉ ngơi đúng như khuyến nghị của bác sĩ.

- Khó thụ thai hay đã từng sảy thai: nếu đã từng bị sảy thai trong quá khứ, thai phụ sẽ tự nhận thấy mình đang lo lắng cho sự an toàn của lần mang thai này như thế nào. Những lời khuyên giữ gìn, cẩn thận… của chồng, người thân và bạn bè cũng góp phần làm thai phụ thêm lo lắng.

- Từng bị lạm dụng: mang thai có thể gợi nhớ lại những kỷ niệm không vui mà người phụ nữ đã từng trải qua liên quan tới tình dục. Cơ thể đang thay đổi vượt tầm kiểm soát và nó có thể “xới tung” mọi thứ tưởng đã được “chôn sâu, giữ chặt”.

Ứng phó như thế nào?

Đơn giản hóa vấn đề: đừng nghĩ rằng mình vẫn sẽ tiếp tục làm được mọi việc bình thường như trước khi mang thai. Hãy luôn ưu tiên bản thân trong danh sách những thứ cần làm. Thay vì làm việc nhà, hãy đọc sách, ăn sáng trên giường và đi dạo trong công viên. Hãy chăm sóc bản thân nhiều hơn.

Nói ra: hãy tâm sự những điều làm bạn sợ hãi và lo lắng với cô bạn thân. Luôn trò chuyện với chồng một cách cởi mở và bạn sẽ nhận được sự chân thành từ chồng.

Thiết lập sự ủng hộ: những cảm xúc tiêu cực dù nói ra hay không đều có ảnh hưởng đối với đứa trẻ trong bụng. Vậy nên điều quan trọng là tìm được người thân hay cô bạn đồng cảm, giúp mình thoát ra khỏi những suy nghĩ không vui.

Thư giãn: các thai phụ thường được khuyên là nên nghe đọc xem những thứ trong sáng để em bé sinh ra cũng sẽ có những suy nghĩ, tư tưởng như thế. Để lấy lại bình tĩnh, hãy nghe một bản nhạc cổ điển hàng ngày. Ngoài ra, có thể dành 30 phút để nghĩ tới những điều tốt đẹp. Nghỉ ngơi và ngủ đủ cũng giúp tâm trạng tốt lên, tươi mới hơn.

Thiết lập thói quen ăn uống lành mạnh: duy trì lối sống khoa học và chia nhiều bữa nhỏ, ăn thường xuyên để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cả mẹ và con, đồng thời cũng giúp thai phụ cảm thấy mình khỏe khoắn, đầy sức sống.

Ăn sô-cô-la đen: nghiên cứu cho thấy ăn một lượng nhỏ sô-cô-la sẽ giúp xua tan sự phiền muộn khi mang thai. Sô-cô-la có chứa chất theobromine, có tác dụng giãn cơ và nở mạch máu. Ăn các miếng sô-cô-la nhỏ được cho là giúp giảm hội chứng tiền sản giật.

Thường xuyên tập luyện: tập luyện đều đặn và tập yoga vừa giúp giữ dáng vừa giúp tinh thần phát triển theo hướng tích cực. Nếu được hướng dẫn bởi một người tập yoga chuyên nghiệp, thai phụ sẽ chuẩn bị tốt hơn cho quá trình chuyển dạ và giảm bớt căng thẳng.

BS. NGỌC LAN

Viêm âm đạo do nấm Candida: Vì sao hay tái phát?

Nấm âm đạo thường gặp ở phụ nữ là do một loại nấm có tên Candida Albicans gây ra. Ở điều kiện bình thường, nấm thường trực trong môi trường ở dạng bào tử nhưng không gây bệnh. Chỉ khi gặp điều kiện thuận lợi như thời tiết nóng, ẩm hoặc có nguyên nhân nào đó gây mất cân bằng môi trường sinh lý âm đạo, nấm mới phát triển và gây bệnh.

Điều kiện để nấm Candida phát triển và gây bệnh

Candida là một loại nấm men có hình tròn hoặc bầu dục, kích thước nhỏ khoảng 2-5 µm, thường sống hoại sinh trong đường tiêu hóa của người, động vật và trong âm đạo... Ở người khoẻ mạnh bình thường, nấm candida tìm thấy được 30% ở miệng, 38% ở ruột, 39% ở âm đạo, 17% ở phế quản...

Nấm Candida có thể phát triển và gây bệnh ở bất cứ đâu trên cơ thể con người nhưng chủ yếu ở da, niêm mạc. Niêm mạc ở âm hộ, âm đạo của phụ nữ là nơi có thể dễ dàng bị nấm Candida ký sinh tại chỗ phát triển và gây bệnh khi có điều kiện thuận lợi.

Bệnh viêm âm đạo do nấm Candida là bệnh thường gặp trong các bệnh phụ khoa. Bệnh có liên quan đến việc sử dụng kháng sinh có phổ diệt khuẩn rộng và kéo dài, ở phụ nữ có thai vào 3 tháng cuối của thai kỳ, có độ pH ở âm đạo thấp và người bị bệnh tiểu đường... làm cho nấm ký sinh có cơ hội phát triển gây bệnh. Ở những đối tượng nữ có hoạt động tình dục mạnh hoặc dùng thuốc phòng tránh thai cũng là người có thể có yếu tố nguy cơ bị mắc bệnh viêm âm hộ, âm đạo do nấm Candida. Bệnh nhân thường có biểu hiện triệu chứng ngứa ngáy âm hộ, có cảm giác nóng bỏng, giao hợp bị đau đớn và khó khăn... Khám phụ khoa thấy niêm mạc âm hộ, âm đạo bị viêm đỏ, có mảng màu trắng, dịch tiết ra như sữa đông. Tổn thương có thể lan ra  quanh âm hộ và háng bẹn của bệnh nhân.

Bệnh hay tái phát

Bệnh do nấm Candida ở âm đạo phụ nữ nhưng khi điều trị muốn khỏi bệnh phải điều trị cả cho vợ và chồng. Ở nhiều phụ nữ sau điều trị nấm âm đạo rất hay tái phát, ngoài nguyên nhân do chồng không cùng điều trị thì còn do người phụ nữ chủ quan, không làm đúng theo lời dặn của bác sĩ trong vệ sinh cá nhân như giặt riêng đồ lót bằng xà phòng, phơi khô ngoài nắng to trước khi mặc để tránh nhiễm nấm từ những đồ lót mặc lần trước. Không tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ là khi dùng hết thuốc phải khám và xét nghiệm lại theo đúng lịch hẹn, dẫn đến tình trạng thuốc uống thuốc chưa đủ liều, đặt chưa trị dứt điểm sạch nấm. Đặc biệt, một số trường hợp còn tự ý mua thuốc đặt khi thấy có biểu hiện ngứa, ra khí hư, do đó làm tăng nguy cơ kháng thuốc, tái phát rất cao.

Cách phòng như thế nào?

Viêm âm đạo do nấm candida gây ngứa rát, khó chịu khi quan hệ tình dục, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt hằng ngày và rất dễ tái phát môi trường pH dễ thay đổi. Vì vậy, để tránh nhiễm nấm, chị em nên thường xuyên vệ sinh bộ phận sinh dục, giữ quần áo khô ráo, sạch sẽ, phơi ở nơi có ánh sáng mặt trời. Khi vệ sinh chỉ nên rửa ở bên ngoài, không nên thụt rửa sâu để tránh làm mất cân bằng môi trường pH. Khi nhiễm nấm, cần đi khám, xét nghiệm và tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sĩ chuyên khoa. Nếu phụ nữ có gia đình bị nhiễm nấm thì nên điều trị cả hai vợ  chồng. Vì khi giao hợp, các vi khuẩn nấm sẽ đọng lại ở bao quy đầu của người chồng và đây là nguyên do khiến người vợ rất dễ nhiễm nấm trở lại.

Bác sĩ  Thu Lan

Khắc phục sa dạ con

Sa dạ con chủ yếu do giãn các dây chằng tử cung hoặc do tham gia lao động nặng nhọc quá sớm sau khi sinh đẻ, hoặc do suy nhược toàn thân gây nên. Bệnh có 3 mức độ: dạ con sa nhưng cổ dạ con vẫn còn trong âm đạo. Cổ và một phần thân dạ con sa lồi ra bên ngoài âm đạo. Toàn bộ dạ con lồi ra phía ngoài âm đạo, có thể bị viêm nhiễm hay bị loét. Đông y gọi là chứng âm thoát, âm trĩ. Dưới đây là một số món ăn bài thuốc khắc phục:

- Cháo lươn nấu ý dĩ, phục linh: lươn tươi 300g, thổ phục linh 30g, ý dĩ 30g, gạo tẻ ngon 50g, đường trắng, nước đủ dùng. Thổ phục linh, ý dĩ rửa sạch cho vào đổ nước đun trong vòng 40 phút, lọc bỏ bã. Lươn chiên giòn, nghiền thành bột. Gạo tẻ nấu thành cháo rồi cho nước thuốc và bột lươn vào, đun sôi, nêm đường là dùng được. Ăn liên tục 14 ngày, mỗi ngày 1 thang. Món ăn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, những người bị sa tử cung dùng rất thích hợp.

- Cháo táo đỏ, hạch đào, hạt súng: táo đỏ 15 quả, hạch đào nhân 20g, hạt súng 20g, gạo tẻ ngon 50g, đường đỏ, nước đủ dùng. Gạo tẻ vo sạch, táo đỏ rửa sạch, bỏ hạt, hạch nhân đào, hạt súng rửa sạch. Cho tất cả vào nồi đất đun thành cháo rồi nêm đường vào là dùng được. Ăn mỗi ngày 1 thang, ăn liên tục trong vòng 10 ngày. Món ăn có tác dụng bổ thận, cố thoát. Thích hợp với những người hay mệt mỏi, gầy yếu, bị sa tử cung.

- Bồ câu non hầm hoàng kỳ, câu kỷ: bồ câu 1 con, hoàng kỳ 30g, câu kỷ 15g, nước, gia vị đủ dùng. Bồ câu vặt lông, bỏ nội tạng, rửa sạch chặt miếng, cho vào bát, ướp gia vị. Cho câu kỷ, hoàng kỳ vào bát chim, đem hấp cách thủy tới khi chim chín là dùng được. Ăn liên tục 10 ngày, mỗi ngày 1 thang. Món ăn bổ thận, cố thoát. Những người bị sa tử cung, hay đau lưng, mệt mỏi, ù tai sử dụng là tốt nhất.

BS. Nguyễn Nghiêm Huệ

Bệnh tuyến giáp dễ gây nguy hiểm khi mang thai?

Theo các nghiên cứu tại Mỹ, có khoảng 3 - 4% các phụ nữ mang thai bị rối loạn chức năng tuyến giáp, chủ yếu là suy chức năng tuyến giáp. Do nằm trong vùng bị thiếu iode nên các thai phụ ở Việt Nam có nguy cơ bị mắc bệnh tuyến giáp cao hơn. Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời thì bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho cả người mẹ và thai nhi.

Phụ nữ có thai bị bệnh tuyến giáp có nguy cơ gì?

Trong vòng 13 tuần đầu tiên của thai kỳ, thai nhi chưa có tuyến giáp nên phải phụ thuộc hoàn toàn vào lượng hormon tuyến giáp của người mẹ cung cấp qua rau thai. Đây chính là thời kỳ hình thành và phân chia các cơ quan nên nếu bị thiếu hormon trong thời gian này thì biến chứng rất nặng nề. Tại Mỹ, khoảng 2,5% phụ nữ có thai bị suy giáp. Hậu quả của suy giáp ở người mẹ là tăng huyết áp, còn với thai nhi thường là sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, rau bong non và đặc biệt là trẻ đẻ ra bị đần độn, chậm phát triển trí tuệ. Cường chức năng tuyến giáp ở các thai phụ tuy ít gặp hơn, khoảng 1,7% phụ nữ có thai bị bệnh này, nhưng cũng có thể gây ra các biến chứng như sảy thai, thai nhẹ cân, tiền sản giật, đẻ non... và nguy hiểm nhất là cơn cường giáp cấp lúc chuyển dạ với tỷ lệ tử vong cả mẹ và con lên đến gần 100%.

 Rau bong non dễ gặp ở bà mẹ mắc bệnh tuyến giáp.
Điều trị bệnh tuyến giáp ở mẹ có thể tránh được các biến chứng không?

Việc tầm soát nhằm phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý tuyến giáp ở phụ nữ có thai có ý nghĩa hết sức quan trọng. Ngoài việc ngăn ngừa các biến chứng, làm giảm tỷ lệ tử vong ở cả mẹ và con thì nó đảm bảo những đứa trẻ sinh ra là hoàn toàn khoẻ mạnh về thể chất và có trí tuệ tốt... Điều trị càng sớm thì nguy cơ bị biến chứng ở cả mẹ và con sẽ càng thấp.

Những ai cần được sàng lọc bệnh tuyến giáp trong thời gian mang thai?

Các thai phụ có nguy cơ cao mắc bệnh tuyến giáp nếu: Đã được chẩn đoán bệnh tuyến giáp từ trước như Basedow, suy giáp, bướu cổ đơn thuần, bướu nhân tuyến giáp;... Có tiền sử trong gia đình có người thân (bố, mẹ, chị em...) bị bệnh tuyến giáp; Đã bị bệnh tuyến giáp ở những lần có thai trước; Có tiền sử sản khoa xấu như sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, đẻ con bị dị tật bẩm sinh;... Người bệnh đái tháo đường týp 1; Có mắc các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, luput...

Làm cách nào để phát hiện bệnh tuyến giáp trong thời gian mang thai?

Những người nghi ngờ bị bệnh hoặc có nguy cơ cao bị bệnh tuyến giáp cần đi khám tại các khoa nội tiết ngay khi biết mình có thai, bao gồm: Khám lâm sàng kiểm tra xem có bướu cổ không; Làm xét nghiệm máu các hormon FT4 và TSH; Những trường hợp nghi ngờ sẽ được cho làm thêm siêu âm tuyến giáp và một số xét nghiệm máu đặc biệt.

Những thai phụ được chẩn đoán rõ có bệnh tuyến giáp sẽ được điều trị ngay để đưa nồng độ hormon giáp về bình thường càng nhanh càng tốt. Những trường hợp nghi ngờ sẽ được kiểm tra lại sau vài tuần để xác định chắc chắn. Một điều may mắn là các thuốc điều trị bệnh tuyến giáp (cả cường và suy giáp) đều không đắt, dùng đường uống được và an toàn cho thai nhi.

ThS. Nguyễn Quang Bảy

Tập luyện sau khi cắt bỏ tử cung

Xin cho biết những rối loạn có thể bị khi cắt bỏ tử cung, nghe nói bị tăng cân sẽ nghiêm trọng, vậy phải tập giảm cân ra sao?

(Võ Thu Hà - Sóc Trăng)

Sau khi cắt bỏ tử cung vì một bệnh lý nào đó, người phụ nữ thường rơi vào tình trạng tăng cân và lo lắng. Các chuyên gia sản phụ khoa đều có các phác đồ về “lối sống” trước và sau khi cắt bỏ tử cung cho bệnh nhân. Sau khi cắt bỏ tử cung, tăng cân đột ngột là một vấn đề cần xem xét. Bên cạnh đó là giấc ngủ bị rối loạn, thần kinh dễ bị kích thích do tình trạng thay đổi hormone trong cơ thể.

Một điều may mắn là với chế độ ăn phù hợp, tập thể dục đều đặn, giảm stress đã có thể bù đắp, điều chỉnh lại phần lớn các rối loạn sau khi cắt bỏ tử cung. Ba mục tiêu được đưa ra cho giai đoạn sau khi cắt bỏ tử cung là: kiểm soát cân nặng, cho giấc ngủ tốt hơn, chống lại một số bệnh dễ xảy ra (nhiễm trùng, bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não, gãy xương, đái tháo đường týp 2, ung thư và cả bệnh Alzheimer).

Bí mật của chuyện giảm cân: hoạt động cơ bắp nhiều hơn để tiêu tốn bớt năng lượng. Phần lớn phụ nữ được huấn luyện viên thể dục hướng dẫn cách tập luyện trước khi phẫu thuật. Đi bộ, chạy bộ và khiêu vũ thể thao được khuyến cáo. Tập thể dục ít nhất 20 phút vài ngày trong một tuần. Nếu mục đích của bạn là giảm cân thì càng nên tăng cường tập thể dục. Tập thể dục sẽ làm chắc xương, giảm cân và giảm nguy cơ bệnh tim. Bạn sẽ cải thiện được tinh thần của mình và giấc ngủ sẽ tốt hơn. Tập sự dẻo dai cũng giúp giảm cân, tăng cường sức mạnh và tạo dáng người rắn chắc cũng như trương lực của cơ thể. Yoga cũng giúp tạo sự mềm dẻo, tăng cường cơ lực và tăng sự ổn định về tinh thần, giúp cân bằng tốt hơn ngăn ngừa té ngã, gãy xương.

BS.CK2. ĐẶNG MINH TRÍ

Các biện pháp phòng ngừa sinh non

Trẻ sinh non khi lọt lòng mẹ ở thời điểm tuổi thai chưa đến 37 tuần (tính từ ngày người mẹ có kinh lần cuối), thường cân nặng của trẻ sinh non nặng dưới 2,5kg. Theo các bác sĩ, việc phát hiện sớm các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ sinh non là rất quan trọng để xử trí kịp thời.

Nguyên nhân

Theo thống kê chung, có khoảng 50% số trường hợp sinh non không rõ nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra. Những trường hợp xác định được bao gồm các nguyên nhân, yếu tố như: mẹ bị hở eo tử cung, mẹ có tiền căn sản giật nặng, tử cung dị dạng, đa thai, nhiễm trùng ối. Ngoài ra, còn có các yếu tố khác như: tuổi thai phụ, tiền sử sinh non, tình trạng kinh tế gia đình, cân nặng của mẹ, mắc bệnh đái tháo đường, nghề nghiệp, điều kiện làm việc... Theo nghiên cứu của các nước châu u, sinh non có liên quan đến điều kiện làm việc ở những phụ nữ mang thai sau: có thời gian làm việc quá 42 giờ trong tuần, công việc phải đứng nhiều (trên 6 giờ mỗi ngày), thai phụ không hài lòng với công việc của mình, công việc đòi hỏi về thể lực...

Bệnh thường gặp ở trẻ sinh non

Suy hô hấp: bé sinh non thường có biểu hiện tím tái, khó thở. Nếu không được các bác sĩ chăm sóc đặc biệt, bé có thể bị suy hô hấp nặng dẫn tới tử vong.

 Khám thai định kỳ để phát hiệu dấu hiệu sinh non.
Chứng xơ võng mạc: nồng độ oxy trong máu cao làm cho võng mạc của bé bị giãn nở, thị giác của bé kém, thậm chí có thể dẫn tới mù lòa.

Chứng bệnh xuất huyết: bé sinh non có thể bị thiếu hụt tế bào máu và bị xuất huyết các cơ quan nội tạng như: dạ dày, phổi, tiết niệu… Trường hợp nặng, bé có thể bị hôn mê, co giật…

Trẻ bị nhiễm trùng: do hệ miễn dịch yếu nên bé dễ bị nhiễm trùng phổi, nhiễm trùng máu hoặc viêm màng não…

Các biện pháp phòng ngừa

Điều cơ bản để sinh đúng kỳ và đảm bảo an toàn cho bé là phải nghỉ nhiều và tự mình phải chú ý theo dõi tình hình sức khỏe lúc mang thai. Những cố gắng quá sức về thể lực của sản phụ sẽ làm tăng nguy cơ sinh non rất nguy hiểm. Những cố gắng về thể xác, nhịp độ công việc, stress… đều có thể dẫn đến sinh non. Khi với cao tay, mang vác, xách nặng, ngồi xổm... đều là những động tác làm tăng nguy cơ sinh non. Ngày nay, các bác sĩ đã chẩn đoán được đặc điểm giải phẫu của một số phụ nữ và có biện pháp theo dõi chặt chẽ hơn như:

Cổ tử cung ngắn: thông thường cổ tử cung dài và giữ vai trò như cái chốt, vì thế thai sẽ không dễ dàng chui qua. Nếu cổ tử cung ngắn hoặc co lại sớm hơn vào khoảng tháng thứ 5 hoặc thứ 6 thì “cái chốt” này ít có hiệu quả. Nếu trong khi khám thai, thấy cổ tử cung ngắn hoặc co lại sớm hơn bình thường thì nên đến bác sĩ và nghỉ ngơi ngay. Một số loại thuốc dùng trong lúc mang thai có thể làm cổ tử cung ngắn.

Cổ tử cung hé mở: cũng làm tăng nguy cơ sinh non. Triệu chứng này thường thấy ở phụ nữ có tiền sử sinh non hay hơn một lần sảy thai sau 3 tháng tuổi của thai nhi.

Đa thai hoặc một số bệnh như cao huyết áp: dẫn đến phải can thiệp y học sinh sớm để đảm bảo sức khỏe cho thai nhi. Khi mang thai, sản phụ cần quan tâm chăm sóc bản thân, tự mình nhận thức được các tác động có nguy cơ gây sảy thai và những cảm giác cần phải báo động lúc cảm thấy nặng ở bụng dưới.

Có thể tránh được tình trạng sinh non, vấn đề chính là sản phụ cần chú ý theo dõi thai nhi, làm theo lời khuyên của bác sĩ, được đỡ đần trong các công việc của gia đình. Điều quan trọng là trong suốt quá trình mang thai bạn nên lưu ý những điểm sau:

- Đi khám bác sĩ theo định kỳ trước và trong suốt thời gian mang thai.

- Thực hiện nghiêm túc chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe, không được bỏ bữa.

- Nắm rõ các dấu hiệu cảnh báo chuyển dạ sớm như: những cơn co bóp tử cung xảy ra thường xuyên, đau xương chậu, đau lưng liên tục... Hãy đi gặp bác sĩ ngay nếu bạn có những triệu chứng này.

- Theo đúng những chỉ dẫn của bác sĩ để có một thai kỳ khỏe mạnh.

- Tránh thực phẩm, thuốc cũng như chất có thể gây hại cho thai nhi, đồng thời có thể thường xuyên vận động nhẹ nhàng như: đi bộ, hoặc thực hiện các động tác duỗi tay chân...

BS. NGỌC LAN

Nguy cơ tiềm ẩn cho thai nhi

Nhiễm virut cự bào (cytomegalovirus, viết tắt CMV) khi mang thai ít được biết đến nhưng lại khá phổ biến và thực sự tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho thai nhi. Loại virut này ít lây nhiễm nhưng đặc biệt hay gặp ở trẻ nhỏ. Vì thế, những phụ nữ làm công việc tiếp xúc nhiều với trẻ cần rất thận trọng. Nếu như thực hành vệ sinh đối với mọi người là cần thiết để phòng ngừa nhiễm khuẩn, trước tiên là cúm và viêm đường ruột thì đối với phụ nữ mang thai lại càng khẩn thiết. Khi mang thai, một số nhiễm khuẩn có thể nghiêm trọng không chỉ cho người mẹ mà cho cả thai và nhiễm CMV là một trong số nhiễm khuẩn cần đặc biệt quan tâm.

CMV thuộc họ virus Herpes, gần với Herpes simplex (gây chốc mép, mụn giộp sinh dục), virus Epstein-Barr và virus gây thuỷ đậu/zona. Đó là những virut có khả năng phát ra những đợt nhiễm khuẩn nhưng thường không bộc lộ mà tồn tại dai dẳng, mai phục bên trong các tế bào. Thông thường, người nhiễm CMV cảm thấy có sốt, nhức đầu, mỏi mệt... những triệu chứng này không có gì đặc hiệu cho nên dễ bị bỏ qua.

Tuy nhiễm CMV không nghiêm trọng lắm đối với người trưởng thành có sức khoẻ tốt nhưng với phụ nữ mang thai lại có thể là một tai hoạ, nhất là khi bị nhiễm lần đầu ở 3 tháng đầu của thai nghén, khi đó thai phơi nhiễm với nhiều nguy cơ tổn thương nặng cho não, chậm phát triển tâm trí, điếc, một loạt những bệnh do nhiễm CMV... 

Khi mẹ bị bệnh lại không bộc lộ bất cứ triệu chứng gì, đôi khi chỉ có vài triệu chứng như sốt, viêm gan, sưng hạch. 80% người trưởng thành được kháng thể bảo vệ nhưng sự miễn dịch từ người mẹ truyền cho trước đây không tạo ra được sự bảo vệ hoàn toàn, 5% phụ nữ không được bảo vệ có nguy cơ bị nhiễm virut này khi mang thai.

Đối tượng nào dễ bị nhiễm CMV?

Virut lây nhiễm qua dịch cơ thể (nước mũi, nước bọt, nước mắt, tinh dịch, nước tiểu, máu...) nhưng không mấy lây lan, chỉ có nguy cơ cao khi tiếp xúc lặp đi lặp lại với virut. Vì thế, phụ nữ thường xuyên tiếp xúc với trẻ (làm việc tại các nhà trẻ, các bảo mẫu...) và lại đang mong có con rất dễ bị phơi nhiễm CMV.

Các triệu chứng ở trẻ khi bị nhiễm CMV

Trẻ luôn gặp sự cố về phát triển, dị tật thường gặp nhất là viêm màng mạch - võng mạc, não nhỏ, hở hàm ếch, điếc và hàm nhỏ. Thể nhiễm khuẩn huyết với những rối loạn về thần kinh và chức năng gan (vàng da, gan lách to, chấm xuất huyết trên da, viêm phổi, thiếu máu...) là thể nặng nhất. Nếu trẻ sống sót được thì cũng có nhiều di chứng nặng nề (não nhỏ, co giật, điếc, mù bẩm sinh, chậm phát triển về trí tuệ và vận động...). Cũng có những thể tiềm ẩn khác chỉ thể  hiện muộn sau này với chứng chậm phát triển về tâm trí và vận động hay điếc.

Chẩn đoán bệnh dựa chủ yếu vào sự phát hiện các globuline miễn dịch M (IgM) đặc hiệu bằng phương pháp huỳnh quang miễn dịch. Những kháng thể này không phải bao giờ cũng có trong những trường hợp bị nhiễm lần đầu và có thể tồn tại trong nhiều tháng. Tìm thấy trong máu và nước tiểu những tế bào lớn với nhân và nguyên sinh chất có chứa các thể lạ.

Ước tính rằng có đến 50% phụ nữ mang thai có kết quả huyết thanh âm tính với CMV, nghĩa là chưa từng phơi nhiễm với virut này. Theo Cơ quan Quản lý y tế Pháp, khoảng 0,6 - 1,4% phụ nữ mang thai bị nhiễm CMV lần đầu nhưng may mắn là 72% số trẻ sinh ra không thể hiện triệu chứng. Rất cần tránh bị nhiễm CMV khi mang thai vì nguy cơ lây lan cho thai khoảng từ 30 - 50%.

Thai bị nhiễm CMV thông qua tuần hoàn mẹ - nhau thai. 4 - 27% phụ nữ có CMV trong đường sinh dục. 1% trẻ sơ sinh bình thường nhưng đã có virut trong nuớc tiểu.

Khi người mẹ bị nhiễm CMV lần đầu thì 50% trẻ cũng bị nhiễm, trong số đó 15% thể hiện bệnh cảnh nặng.

Có cần tầm soát những phụ nữ có nguy cơ cao không?

Vì các triệu chứng không bộc lộ cho nên nhiễm CMV dễ bị bỏ qua. Không thể tầm soát cho dân số nói chung, cũng như cho dân số có nguy cơ (các cô nuôi trẻ và người đang độ tuổi sinh sản) mà chủ yếu là nhận diện những phụ nữ có test huyết thanh âm tính bằng cách lấy máu để định lượng nồng độ kháng thể chống CMV (IgM). Tuy nhiên, test này không xác định được chính xác thời điểm bị lây nhiễm và nếu test huyết thanh cho kết quả dương tính cũng không thể phân biệt được nhiễm khuẩn đã có trước đây (không có nguy cơ gì đặc biệt) với nhiễm lần đầu, nguy hiểm cho thai nếu người phụ nữ có thai. Hiện nay, nếu phát hiện có nhiễm CMV khi có thai thì cần chọc hút thăm dò nước ối, nếu kết quả bình thường thì khuyến cáo theo dõi tích cực bằng siêu âm, nếu có dấu hiệu nghi ngờ trên hình ảnh siêu âm thì có thể phải chấm dứt thai nghén tuỳ theo từng trường hợp.  

Hiện cũng không có vaccin và liệu pháp đặc hiệu cho nhiễm CMV, vì thế đã hạn chế việc phát hiện hàng loạt sự nhiễm virut này trong cộng đồng (một liệu pháp với kháng sinh valaciclovir đang thử nghiệm để chữa nhiễm CMV trong tử cung).

Nâng cao hiểu biết về vệ sinh cộng đồng để chống nhiễm CMV

Hiện nay, phòng ngừa nhiễm CMV bằng tuyên truyền, giáo dục và thực hành những biện pháp vệ sinh nghiêm ngặt vẫn là 2 biện pháp chủ yếu, đặc biệt với nhóm dân số có nguy cơ. Phụ nữ có thai và tiếp xúc thường xuyên với trẻ dưới 3 tuổi cần thực hành một quy chế như sau: Không tiếp xúc với dịch cơ thể tiềm ẩn virut, nhất là nước bọt, nước mắt và nước tiểu; Rửa tay thường xuyên, nhất là sau khi thay đồ cho trẻ; Không dùng thìa chung với trẻ khi ăn; Không dùng chung đồ vệ sinh với trẻ (xà phòng, nước thơm...); Không hôn khi trẻ đang có dãi hay đang khóc.

BS. Xuân Ánh

Làm gì để có thể phòng và phát hiện sớm ung thư vú

Tôi năm nay 30 tuổi, thỉnh thoảng tôi sờ vào nhũ hoa thấy có vài cục nhỏ và đau, nhất là giai đoạn trước hành kinh, tôi rất sợ mình bị ung thư vú. Vậy tôi xin hỏi làm thế nào để có thể phòng cũng như phát hiện sớm ung thư vú.

(Tôn Nhật Nguyên P. - TP.HCM)

Theo các nhà khoa học, nghiên cứu về ung thư (UT) ở Việt Nam, trong những năm gần đây cho thấy UT vú ở phụ nữ là loại UT có tần suất cao đứng hàng thứ hai sau UT cổ tử cung. Vì vậy nó là nỗi ám ảnh cho nhiều chị em. Tuy nhiên, nếu bệnh được phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì kết quả cũng hết sức là khả quan. Cần lưu ý những yếu tố nguy cơ như: nữ ở vào độ từ 30 trở lên, lớn tuổi chưa lặp gia đình hay chưa sinh lần nào, người trong gia đình có người bị UT vú, bản thân có UT buồng trứng, UT nội mạc tử cung, đái tháo đường sau mãn kinh, sinh con đầu lòng sau 35 tuổi, có kinh sớm trước 12 tuổi, mãn kinh sau 55 tuổi, béo phì. Do tính chất UT vú là loại UT khi khởi phát và ngay cả khi đang ở giai đoạn đầu là loại UT không có triệu chứng, cũng như không gây một biểu hiện nào cho bệnh nhân cảnh giác, nhưng ngược lại nó là một loại UT có thể phát hiện được rất sớm, muốn vậy cần thực hiện:

Khám vú định kỳ: đối với những phụ nữ khỏe mạnh từ 35 tuổi trở lên, dù không có bất kỳ triệu chứng gì cũng cần khám kiểm tra vú định kỳ, kể cả khám phụ khoa hàng năm, tốt nhất là 3 tới 6 tháng khám 1 lần, nhất là những nữ giới có yếu tố nguy cơ.

Siêu âm vú 3 - 6 tháng một lần là việc làm cần thiết, vì là phương tiện chẩn đoán tốt, không xâm lấn, không đau.

Bên cạnh đó thì chụp nhũ ảnh cũng là phương tiện tốt để giúp chúng ta phát hiện sớm UT vú.

Tự khám vú: được đề nghị thực hiện với mọi phụ nữ trên 20 tuổi. Phụ nữ nên khám ngực mình từ ngày thứ 8 của chu kỳ kinh hay sau khi sạch kinh với nhịp độ mỗi tháng một lần.

Về phòng bệnh: mỗi chị em chúng ta cần xây dựng cho mình một chương trình kế hoạch tự khám và đi kiểm tra thường xuyên vú và phụ khoa định kỳ. Tránh căng thẳng trong công việc, xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn ít chất béo động vật, hạn chế ăn những thực phẩm lên men có nhiều nitrit, nitrat, nitrozamin. Bổ sung thêm khẩu phần ăn nhiều rau quả và trái cây chứa nhiều −caroten; không ăn những thực phẩm mốc từ gạo, đậu, lạc…, thực phẩm có phun thuốc trừ sâu. Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để chống béo phì. Hạn chế dùng thuốc nội tiết tố nữ thay thế kéo dài ở thời kỳ mãn kinh.

BS.CKI. TRẦN QUỐC LONG

Những bất thường kinh nguyệt ở tuổi vị thành niên

Kinh nguyệt là hiện tượng chảy máu từ buồng tử cung ra ngoài do thay đổi hormone (còn gọi là nội tiết tố) sinh dục nữ của buồng trứng. Kinh nguyệt là biểu hiện sự trưởng thành và bắt đầu hoạt động của buồng trứng và người phụ nữ bắt đầu có khả năng có thai, là một trong những dấu hiệu quan trọng biểu hiện dậy thì.

Chu kỳ kinh nguyệt

Tuổi có kinh lần đầu của các trẻ gái thường bắt đầu là 13 - 16 tuổi. Những năm gần đây, xu hướng có kinh sớm hơn, có trẻ hành kinh lúc 11 - 12 tuổi. Nếu có kinh trước 10 tuổi gọi là hành kinh sớm và thường là bệnh lý. Nếu có kinh sau 16 tuổi là có kinh muộn. Nếu sau 18 tuổi chưa có kinh thì được gọi là vô kinh nguyên phát. Nếu hành kinh mà thời gian ra huyết kéo dài hơn 7 ngày gọi là rong kinh. Rong kinh rất hay gặp trong năm đầu khi bắt đầu hành kinh, nguyên nhân thường là do vòng kinh không phóng noãn. Một vòng kinh hay còn gọi là chu kỳ kinh từ 28 - 30 ngày. Thời gian hành kinh 3 - 4 ngày. Lượng huyết kinh thường nhiều vào ngày thứ nhất và thứ hai. Tổng số huyết kinh khoảng 60 - 80ml.

 Gia đình nên tư vấn cho trẻ trong vấn đề kinh nguyệt.
Hành kinh muộn

Những trường hợp trên 16 tuổi mới hành kinh lần đầu tiên gọi là hành kinh muộn. Lượng huyết kinh có thể ít hơn so với những người khác. Nguyên nhân hành kinh muộn là do dậy thì muộn, buồng trứng kém phát triển, hoặc phát triển muộn. Thường là do dinh dưỡng kém, người bé nhỏ, gầy yếu hoặc do bệnh tật nên cơ thể kém phát triển.

Rong kinh tuổi dậy thì

Rong kinh tuổi dậy thì là những trường hợp thời gian hành kinh kéo dài trên 7 ngày, hậu quả làm cho các em xanh xao thiếu máu, người mệt mỏi. Vì ra uyết kéo dài tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển nên các em dễ bị viêm đường sinh dục. Viêm nhiễm có thể lan tỏa lên hai vòi tử cung, (vòi trứng) làm hẹp hoặc tắc gây thai ngoài tử cung hoặc vô sinh sau này. Mặt khác, rong kinh có thể gây rối loạn phóng noãn (rụng trứng), cũng là một nguyên nhân gây vô sinh.

Vô kinh tuổi dậy thì

Vô kinh tuổi dậy thì là khi quá 18 tuổi mà vẫn chưa hành kinh. Nguyên nhân do rối loạn nội tiết của trục dưới đồi - tuyến yên - buồng trứng và bất thường về phát triển của bộ phận sinh dục.

Rối loạn nội tiết: Đây là một loạt hội chứng liên quan chặt chẽ từ não đến buồng trứng rất khó điều trị. Biểu hiện tính chất sinh dục phụ bên ngoài không phát triển như: vú nhỏ, không có lông mu, lông nách, âm hộ nhỏ.

Bất thường về phát triển của bộ phận sinh dục: là những trường hợp không phát triển một phần hoặc hoàn toàn bộ phận sinh dục. Nếu bộ phận sinh dục không phát triển hoàn toàn thì không có hiện tượng kinh nguyệt, ví dụ như không có tử cung hoặc không có buồng trứng.

Một số loại bế kinh thường gặp

- Bế kinh do màng trinh không thủng: là những trường hợp bộ phận sinh dục phát triển bình thường nhưng màng trinh dày, không thủng nên huyết kinh không thoát ra ngoài được.

- Bế kinh do âm đạo có vách ngăn: vì trong âm đạo có vách ngăn ngang hoặc âm đạo không phát triển ở đoạn dưới nên huyết kinh không chảy ra ngoài được.

- Bế kinh do không có âm đạo: do bộ phận sinh dục chỉ có tử cung và buồng trứng nhưng không có âm đạo nên huyết kinh bị đọng lại trong tử cung và tràn lên vòi tử cung.

Những triệu chứng gợi ý bế kinh: đến tuổi dậy thì có đau bụng vùng dưới đều đặn hàng tháng, mỗi lần đau kéo dài 3 - 4 ngày, sau đó trở lại bình thường. Những lần đau sau tăng hơn lần đau trước. Năm sáu lần đau như vậy sẽ thấy một khối ở trên xương mu, nhiều khi đau căng, quằn quại, các cháu kêu khóc do quá sức chịu đựng. Nếu bế kinh do màng trinh không thủng thì thấy nặng, căng tức ở âm hộ, khi vạch hai môi bé ở âm hộ thấy huyết kinh làm giãn căng màng trinh và có màu tím.

Hậu quả của bế kinh: do huyết kinh không thoát ra được, ứ đọng lại sẽ làm căng phồng tử cung, rồi huyết kinh tràn lên vòi tử cung, làm tử cung và vòi tử cung giãn căng, phá hủy niêm mạc tử cung và vòi tử cung nên không thể có thai được. Huyết kinh ứ đọng là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, có thể làm nhiễm khuẩn rồi vỡ và sẽ gây viêm ổ bụng. Có thể vỡ vòi tử cung do căng giãn quá mức.

Phòng ngừa

Để phòng tránh những bất thường kinh nguyệt tuổi vị thành niên, khi thấy các em gái tuổi 13 - 16 mà chưa hành kinh hoặc đau bụng hàng tháng có tính chất chu kỳ mà không hành kinh hay có bất kỳ một băn khoăn nào, bố mẹ và người thân nên đưa các em đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn. Nếu các cháu bị rong kinh phải đưa các cháu đến khám bệnh ở những phòng khám huyên khoa để điều trị sớm, tránh rối oạn phóng noãn sẽ gây vô sinh.

TS. VƯƠNG TIẾN HÒA