Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Gây mê sản khoa và những áp lực

Sự hỗ trợ đắc lực của các phương pháp vô cảm trong sản khoa đã giúp các sản phụ vượt cạn an toàn và khỏe mạnh hơn, tuy nhiên vai trò của người làm gây mê hồi sức trong lĩnh vực này hầu như chưa được đánh giá đúng. Tại Hội nghị gây mê sản khoa toàn quốc lần đầu tiên vừa được tổ chức tại Hà Nội, GS. Nguyễn Thu - Chủ tịch Hội gây mê hồi sức Việt Nam cho biết, vô cảm trong sản khoa vô cùng nhạy cảm vì liên quan trực tiếp đến 2 tính mạng, do vậy cần có sự kết hợp chặt chẽ và phát triển đồng bộ của 2 chuyên ngành này mới có thể giảm tối đa nguy cơ tai biến.

"Vượt cạn không đau"- nhu cầu mang tính nhân văn

BSCKII Trương Quốc Việt - Bệnh viện Từ Dũ cho biết, đau đớn khi chuyển dạ thực sự là nỗi sợ của nhiều sản phụ. Điều đó được ví như "nỗi thống khổ" mà người phụ nữ phải trải qua khi được làm mẹ. Những cơn đau chuyển dạ quá mức sẽ làm tăng tiết catecholamin trong máu, co mạch rốn, tăng thông khí..., cơn đau có thể làm cho cuộc chuyển dạ trở nên khó khăn, phức tạp hơn, nhất là trong trường hợp sản phụ có các bệnh lý kèm theo như tim mạch, hô hấp, nội tiết... Mặt khác, chính sự đau đớn này đã làm tăng chứng stress, thậm chí là trầm cảm sau sinh của nhiều sản phụ.

Gây mê sản khoa nhạy cảm vì liên quan đến hai tính mạng.

Theo các chuyên gia sản khoa, nếu kiểm soát được các cơn đau, nhiều sản phụ có thể sinh con bình thường qua đường tự nhiên. Với sự hỗ trợ của các phương pháp giảm đau, "vượt cạn không đau" ngày càng chứng tỏ đây là một biện pháp điều trị mang tính nhân văn. Có nhiều phương pháp giảm đau trong chuyển dạ, từ các phương pháp không dùng thuốc như thư giãn, tập thở, liệu pháp tâm lý... đến các phương pháp dùng thuốc mê hô hấp, thuốc giảm đau trung ương, gây tê vùng, gây tê tủy sống, gây tê ngoài màng cứng...

Gây mê chưa được phát triển đồng bộ với phẫu thuật

Các bác sĩ sản khoa và gây mê đều nhận định, trong nhiều trường hợp phải chỉ định phẫu thuật hoặc can thiệp lấy con, quá trình vô cảm quyết định thành công tới 50% nhưng chưa có sự phát triển đồng đều giữa 2 chuyên ngành này. Về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Đức Hinh - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, các phương pháp vô cảm như gây tê vùng, gây mê... đã đóng vai trò quan trọng cho thành công của sản khoa, đặc biệt là phẫu thuật. Trước đây tỷ lệ tai biến trong sản khoa có nguyên nhân từ kỹ thuật mổ cao hơn nguyên nhân từ kỹ thuật vô cảm, nhưng thời gian qua, trình độ phẫu thuật viên tiến bộ rất nhanh, tai biến do phẫu thuật giảm đi nhiều nhưng tai biến của gây mê ít thay đổi.

Một thực tế cần được nhìn nhận là sau mỗi thành công của các ca phẫu thuật sản khoa, người ta chỉ biết đến phẫu thuật viên còn bác sĩ gây mê thì ít được quan tâm nhưng khi tai biến xảy ra thì hầu như trách nhiệm lại thuộc nhiều về họ. Đây là điều khiến các nhà chuyên môn trăn trở phải làm sao cho 2 chuyên ngành cùng nhau đưa ra những kinh nghiệm phối hợp tốt nhất trong đó gây mê hồi sức là một nội dung đặc biệt quan trọng.

Nhiều áp lực cho bác sĩ gây mê

GS. Nguyễn Thụ - Chủ tịch Hội gây mê hồi sức Việt Nam cho biết. Để giảm được tối đa các tai biến trong sản khoa do gây mê, cần có sự cập nhật thường xuyên những nghiên cứu mới, những đánh giá cụ thể trong quá trình điều trị để tìm ra được các phương pháp vô cảm tốt nhất.

Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Tú - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, Trưởng Bộ môn Gây mê hồi sức, áp lực bác sĩ gây mê trong mỗi cuộc mổ rất lớn. Họ phải đánh giá chính xác được tình trạng bệnh nhân trước khi thực hiện kỹ thuật vô cảm, phải "đọc được" diễn biến của người bệnh suốt quá trình trong và sau mổ. Họ cần có sự hiểu biết sâu sắc giữa lâm sàng, ngoại khoa và dược lý. Vì những yêu cầu khắc nghiệt đó mà người ta ví mỗi cuộc gây mê như quá trình của một chuyến bay, luôn đối mặt với rủi ro từ khi cất cánh đến lúc hạ cánh. Để hạn chế những tai biến liên quan đến gây mê rất cần thiết phải đánh giá đúng vai trò và đầu tư thỏa đáng cho chuyên ngành này, điều đó không chỉ áp dụng trong sản khoa mà trong tất cả những lĩnh vực khác cần thiết sự trợ giúp của gây mê hồi sức.

 Lê Hảo

0 nhận xét:

Đăng nhận xét